Mức giá trị giao dịch phải báo cáo quy định tại dự thảo được giữ nguyên theo Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg là 300.000.000. Nhiều cơ quan quản lý cho rằng mức giao dịch 300 triệu đồng phải báo cáo không còn hợp lý…
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo cần phải được xây dựng và ban hành để có cùng thời điểm hiệu lực với Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là 1/3/2023.
Việc xây dựng Quyết định nhằm hướng dẫn chi tiết mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền; phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện trên cơ sở bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung.
Mức giá trị giao dịch phải báo cáo quy định tại dự thảo được giữ nguyên theo Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg là 300.000.000. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc giữ nguyên mức giá trị này xuất phát từ hai lý do.
Thứ nhất, căn cứ vào quá trình triển khai Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg thời gian qua và tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam, việc giữ mức giá trị giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt một hoặc nhiều lần trong một ngày của khách hàng là 300 triệu đồng là phù hợp.
Thứ hai, theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) thì ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo được khuyến nghị là 15.000 USD (tương đương 375 triệu đồng) cao hơn mức quy định tại dự thảo Quyết định.
Nếu tăng mức giao dịch phải báo cáo lên 400 triệu đồng thì sẽ cao hơn ngưỡng của giá trị giao dịch phải báo cáo của FATF. Do đó, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị giữ nguyên mức giá trị như quy định tại Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg để phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu Khuyến nghị của FATF.
Tuy nhiên, về mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo như trên, Bộ Quốc phòng đề nghị nâng định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo vì định mức 300 triệu đã được áp dụng từ năm 2013. Đến nay, giá trị tiền Việt Nam cũng như giá cả thị trường, số lượng giao dịch đã tăng rất nhiều lần.
Đồng quan điểm, Bộ Công an đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đưa ra mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay vì 10 năm qua đã có sự phát triển kinh tế, xã hội rất lớn.
Tương tự, Bộ Tư pháp cho rằng Quyết định số 20/2013/QĐ – TTg đã được ban hành cách đây gần 10 năm. Đến nay, tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam cũng đã có nhiều biến đổi, Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) khuyến nghị ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo là 15.000 USD (tương đương 375.000.000 đồng) và cũng không khuyến nghị cụ thể đây là mức giá trị giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt một hay nhiều lần trong một ngày của khách hàng.
Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc định lượng một mức giao dịch phải báo cáo sát hơn nữa so với mức khuyến nghị của FATF và nên là mức cho một lần giao dịch trong ngày.
Đồng thời, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tính khả thi, hiệu quả, dễ thực hiện của của quy định, Bộ Tư pháp cho rằng đối với các giao dịch được thực hiện nhiều lần trong một ngày của khách hàng gần với mức giao dịch lớn phải báo cáo nên được quy định thuộc nhóm giao dịch lớn bất thường, phức tạp mà đối tượng báo cáo phải thực hiện giám sát theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Phòng, chống rửa tiền.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền.
Ngân hàng Nhà nước cho biết Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15/11/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2023 thay thế cho Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.
Không chỉ các cơ quan, đơn vị, đại diện của một số tổ chức ngân hàng cũng đánh giá, việc Dự thảo đặt ra mức giá trị của giao dịch lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng, chưa phù hợp với thực tế phát triển và hoạt động giao dịch thanh toán hiện nay.
“Thực tế việc đặt ra một ngưỡng giá trị giao dịch để thực hiện báo cáo liên quan đến công tác phòng chống rửa tiền là hoàn toàn phù hợp. Nhưng với mức giá trị là 300 triệu đồng thì so với hiện trạng sự phát triển kinh tế hiện nay, mức này chưa hoàn toàn phù hợp”, đại diện ngân hàng An Bình góp ý.
Từ đó, tổ chức này đề xuất: Một là nâng cao hơn nữa mức giá trị giao dịch phải báo cáo để phản ánh đúng bản chất cũng như tình hình phát triển kinh tế hiện nay; Hai là không quy định nội dung này. Đối tượng báo cáo sẽ thực hiện báo cáo đối với những giao dịch có yếu tố đáng ngờ khi thực hiện đánh giá, nhận biết khách hàng và giao dịch.
Được biết, trong hồ sơ gửi tới Bộ Tư pháp phục vụ công tác thẩm định, NHNN bày tỏ quan điểm giữ nguyên mức giá trị theo đề xuất đã đưa ra trong Dự thảo.
Lý giải về vấn đề này, NHNN phân tích, theo chuẩn mực của FATF, mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 15.000 USD tương đương 375 triệu đồng. Mức này không phân biệt đối với tổ chức và cá nhân. Việc quy định mức 300 triệu đồng kế thừa từ Quyết định 20/2013, tuy thấp hơn mức của FATF nhưng sẽ đảm bảo chặt chẽ hơn so với khuyến nghị và có hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống rửa tiền.
“Mặt khác, quy định này góp phần hạn chế sử dụng, thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam”, NHNN viện dẫn.
Tổng Hợp
(VnE, Diễn Đàn Doanh Nghiệp)