Ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp, IFC Việt Nam cho rằng, ngành ngân hàng Việt Nam không thể một mình giải quyết, phát triển thị trường mua bán nợ xấu. Giải quyết nợ xấu, đó không phải giải pháp theo thị trường…
“Thực tế, nợ xấu không xấu, nó đồng hành cùng hoạt động ngân hàng nhưng chúng ta cần một khung pháp lý để làm sạch chúng và xử lý một cách công khai ở một thị trường mở và có những giao dịch thương mại đúng nghĩa. Ở Việt Nam, chúng ta đã bàn nhiều tới vấn đề này, nhưng đến này vẫn không có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường mà chủ yếu là mua bản trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC”, ông Darryl Dong nhận định.
Theo chuyên gia này, Việt Nam vẫn nằm ở vạch xuất phát trong việc ở cửa thị trường mua bán nợ xấu. Thị trường mua bán nợ chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia thị trường. Hiện nay, Luật lệ Việt Nam và các đề xuất đều chưa thu hút được các bên tham gia thị trường. Hiện quy định mới chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC tham gia thị trường nên thực chất nợ chỉ chuyển dịch, đá đi đá lại giữa các ngân hàng mà chưa có một giải pháp thị trường đúng nghĩa.
Để xử lý triệt để vấn đề nợ xấu, đại diện IFC cho rằng, đây là lúc Việt Nam “phất cờ” xử lý nợ xấu thông qua việc mở cửa thị trường. IFC đưa ra 2 khuyến nghị cho chương xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi).
Thứ nhất, cần có cơ chế thu hút vốn nhà đầu tư nước ngoài trong tham gia giải quyết nợ xấu. Hiện nay VAMC và ngân hàng độc quyền trong mua bán, giải quyết nợ xấu, đó không phải giải pháp theo thị trường mà chỉ trên sổ sách kế toán.Việc mở cửa này cần được làm rõ, quy định rõ trong luật. Việt Nam cần quy định mới đủ tốt sẽ thu hút chuyên gia và nhà đầu tư nợ xấu.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nên cho phép tổ chức phi ngân hàng mua bán trực tiếp nợ xấu từ ngân hàng. Các bên mua bán nợ xấu rất quan trọng, bên mua nợ xấu cần được kế thừa đầy đủ trách nhiệm quyền hạn với khoản nợ xấu được mua.
Thứ hai, về xử lý tài sản bảo đảm – dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Điều này không đúng nguyên tắc thị trường, là nút chặt khiến các tổ chức phi ngân hàng không muốn tham gia mua bán nợ.
Về lo ngại nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tài sản, ông Darryl Dong cho rằng: “Không sao cả, chúng ta có thể tạo cơ chế gián tiếp để thông qua đại lý xử lý tài sản bảo đảm trong nước, yêu cầu các nhà đầu tư phải làm việc với đại diện trong nước.Điều này cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy một con đường, ngã rẽ có mục đích dành cho họ. Tất cả các khoản nợ xấu đều có thể đặt lên bàn để xử lý”.
Hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực đã mở cửa thị trường để xử lý nợ xấu. Ấn Độ có luật riêng biệt về xử lý nợ xấu, ngân hàng không nhất thiết phải qua quá trình phức tạp tố tụng. Philippines còn có khuyến khích bằng tiền trong 3 năm để hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu. Ở Việt Nam có thể không cần công cụ đặc thù kiểu như vậy nhưng cũng cần các quy định rõ ràng hơn trong mở cửa thị trường.
“Các nhà đầu tư chỉ chuyên đầu tư, vì thế hãy mở một ngã rẽ cho nhà đầu tư vào đầu tư thị trường nợ xấu Việt Nam. Nếu chúng ta cho phép điều này, xây dựng khung pháp lý hiệu quả, công bằng, nhà đầu tư sẽ tới”, ông Darryl Dong nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này luôn xác định việc kiểm soát, xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt gắn với công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chủ động triển khai các biện pháp tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
Trong tháng 2/2023, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý được 21.300 tỷ đồng nợ xấu; chủ yếu thực hiện thông qua hình thức sử dụng dự phòng rủi ro (chiếm 41% tổng nợ xấu xử lý) và khách hàng trả nợ (chiếm 48,8% tổng nợ xấu xử lý).
Bên cạnh việc xử lý nợ xấu nội bảng, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 cũng đạt kết quả tích cực. Lũy kế từ khi Nghị quyết có hiệu lực ngày 15/8/2017 đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416.000 tỷ đồng nợ xấu (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro).
Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt) đạt 211.900 tỷ đồng, chiếm 50,9%; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 122.100 tỷ đồng, chiếm 29,3%; xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82.100 tỷ đồng, chiếm 19,7%.
Ngoài ra, tính đến cuối tháng 1/2023, các tổ chức tín dụng đã sử dụng khoảng 223.500 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 và bán nợ xấu cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt đạt 40.500 tỷ đồng
Tuy nhiên, đến cuối tháng 2/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,91%, cao hơn so với mức 2,46% cuối năm 2016, mức 1,49% cuối năm 2021 và mức 2% cuối năm 2022.
Bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng qua rà soát, đánh giá, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành có nguy cơ chuyển nợ xấu trong thời gian tới (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái…). Do đó, cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai.
Tổng Hợp
(ĐTCK)