Thời gian qua, thị trường bất động sản đón nhận nhiều thông tin tích cực từ vĩ mô liên quan đến nguồn vốn tín dụng và pháp lý thông qua Nghị quyết 33 và Nghị định 08. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong quý 1/2023, đặc biệt là lãi suất cho vay mua nhà. Thấy rằng giai đoạn “hoang mang cục bộ” đã qua, từ đó mở ra một lối đi cho những chủ đầu tư và nhà đầu tư để đi tiếp.
Với các yếu tố tích cực xuất hiện ngày càng nhiều, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định thị trường bất động sản sẽ ấm lên từ quý 3/2023…Theo chuyên gia, những yếu tố đóng vai trò tạo đà bật cho thị trường sau thời gian dài trầm lắng, đều mang tính chất vĩ mô. Vì vậy, đây là cơ sở mở ra cửa sáng cho bất động sản.
TS.Đính cho biết, thị trường bất động sản quý 1/2023 đang có những tín hiệu tốt để “phá băng” nhờ hàng loạt động thái hỗ trợ từ Chính phủ, như việc thành lập tổ công tác rà soát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, địa phương có các dự án đang vướng mắc. Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục ban hành công điện đôn đốc đơn vị liên quan xem xét, tìm cách tháo gỡ khó khăn ở từng địa phương.
Ngoài ra với điểm nghẽn về nguồn vốn, Chính phủ lại đưa ra phương án tháo gỡ rất cụ thể, khi giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay kèm lãi suất thấp hơn thị trường. Đây là liều thuốc bổ rất có giá trị hỗ trợ thị trường vào thời điểm này.
Bên cạnh đó, vị này chia sẻ, Nhà nước đang điều chỉnh khung pháp lý cho hoạt động M&A bất động sản thông qua các chính sách. Việc điều chỉnh tập trung theo hướng tránh chồng chéo với văn bản pháp luật. Mặt khác, Nhà nước cũng đề cập đến việc doanh nghiệp bất động sản cần tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, và cơ cấu lại dòng sản phẩm để thị trường dễ hấp thụ. Bởi đưa ra thị trường sản phẩm phù hợp nhu cầu số đông là một trong những giải pháp về nguồn vốn giúp doanh nghiệp bất động sản có thể “tự cứu mình.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, nhấn mạnh doanh nghiệp phải chủ động tìm cách vượt qua khó khăn, vì Chính phủ hay ngân hàng sẽ không thể bỏ tiền để cứu doanh nghiệp này, rồi bỏ tiền ra để cứu doanh nghiệp khác. Hơn nữa, suốt những năm qua, bất động sản liên tục tăng giá, nếu cứ tăng thì lại đề nghị Nhà nước hay ngân hàng mua hộ hay sao? Ngân hàng là một đơn vị kinh doanh tiền tệ đương nhiên phải cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro.
“Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp bất động sản phải có kế hoạch cụ thể, khả thi nhằm đa dạng nguồn vốn, thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư…. Đồng thời giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết”, chuyên gia lưu ý.
Chia sẻ giải pháp nhằm gỡ vướng các vấn đề “nóng” cho thị trường bất động sản, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nêu, chúng ta cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, hỏi học từ quốc tế, cách tiếp cận đa chiều và đưa ra nhóm chính sách dài hạn lẫn ngắn hạn. Trong đó, nhóm giải pháp ngắn hạn là những chính sách tập trung tháo gỡ vào các vấn đề đang “nóng” nhất của thị trường, gồm pháp lý và vốn. Nếu tháo gỡ được vấn đề pháp lý thì hàng trăm dự án được giải tỏa, dòng tiền từ đây mà ra. Quan trọng hơn, tháo gỡ được vấn đề pháp lý sẽ giúp củng cố niềm tin cho thị trường.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Theo đó, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn. Đối tượng là các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất.
Trong đó, khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành. Ngân hàng thương mại được phép nhận thế chấp bằng chính gói trái phiếu này và các tài sản bảo đảm để phát hành gói trái phiếu đó theo phương thức ngân hàng thương mại giải ngân trực tiếp đến các trái chủ.
Đối với phần 30% giá trị gói trái phiếu đã phát hành còn lại, doanh nghiệp và các trái chủ thỏa thuận đàm phán với nhau theo quy định tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP.
HoREA cho rằng, nếu có cơ chế, chính sách này sẽ tác động tích cực ngay lập tức; cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08 sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và hỗ trợ các trái chủ.
Tổng Hợp
(Vietnamnet, VnEconomy)