Thực tế cho thấy với tốc độ phát triển không gian xanh của những đô thị lớn không thể “theo kịp” với tốc độ đô thị hoá và gia tăng dân số trong nội đô. Chính vì thế, kiến tạo không gian xanh trong nội đô là bài toán khó.
Một nghiên cứu được đăng tải trên Movainternational cho thấy, 35% người tiêu dùng tại các nước phát triển sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, đặc biệt là nhà ở. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên qua các năm.
Thực tế cho thấy, vài năm trở lại đây, người tiêu dùng ngày càng có yêu cầu cao hơn khi chọn lựa một không gian sống. Không dễ để đưa ra một định nghĩa đầy đủ và trọn vẹn về một không gian đáng sống tại các đô thị, bởi góc nhìn mỗi người mỗi khác nhau, nhưng đều có những tiêu chí chung nhất định. Một ngôi nhà giờ đây không chỉ đơn thuần là nơi che nắng, che mưa, đó còn phải là một không gian sống nhiều cây xanh, hài hoà với thiên nhiên. Không gian xanh không chỉ đơn thuần là để làm “mềm hoá” những khối bê tông mà thực tế, nó tạo ra không gian với chất lượng sống tốt hơn để mỗi cư dân có thể tái tạo năng lượng và nuôi dưỡng cảm xúc sau thời gian đầy áp lực nơi công sở.
Một ngôi nhà giờ đây không chỉ đơn thuần là nơi che nắng, che mưa, đó còn phải là một không gian sống nhiều cây xanh, hài hoà với thiên nhiên.
Giới chuyên gia khẳng định không gian xanh chính là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của một khu đô thị mới. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, tốc độ phát triển không gian xanh của những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM không thể “theo kịp” với tốc độ đô thị hoá và gia tăng dân số trong nội đô. Chính vì thế, kiến tạo không gian xanh trong đô thị hiện đại là bài toán không dễ giải.
Thấu hiểu tâm lý khách hàng, nhiều chủ đầu tư cũng đã đặt mục tiêu xây dựng không gian sống xanh khi xây dựng các khu đô thị, nhà ở. Điển hình phải kể đến các công ty tập đoàn: Tập đoàn Capital House, Văn Phú – Invest, Phúc Khang, Novaland, Ecopark, Vạn Phúc… Những đơn vị này đã dành tâm huyết nhiều năm nghiên cứu và ứng dụng không gian sống xanh thực sự vào các dự án.
Đặc biệt, chủ đầu tư Văn Phú – Invest đã áp dụng tiêu chí cốt lõi kiến trúc xanh vào ba dòng sản phẩm tiêu chuẩn, tầm trung và cao cấp tương ứng với thương hiệu Victoria, The Terra và Grandeur Palace. Hàng loạt các dự án như The Van Phu Victoria, The Terra – Hào Nam, Grandeur Palace – Giảng Võ… đã mang đến cho khách hàng một cuộc sống tiện nghi, hiện đại giữa lòng không gian xanh mát lành.
Tuy nhiên, việc kiến tạo không gian xanh trong các đô thị cần cách thức triển khai như thế nào để thực sự bài bản và hiểu quả? Cà phê cuối tuần ghi nhận quan điểm của các chuyên gia: TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam; KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
XANH – TỪ QUY HOẠCH ĐẾN THỰC HIỆN DỰ ÁN
TS. Đào Ngọc Nghiêm: Để kiến tạo không gian xanh trong đô thị cần phải hiểu đầy đủ và đồng bộ về khái niệm. Trước hết không gian xanh của toàn thành phố trong tất cả các đô thị bao gồm các hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, thị trấn sinh thái, các hệ thống cây xanh ở trong thủ đô và các điểm không gian xanh… Trong không gian xanh hiện nay còn chia ra từng mảng gồm nông nghiệp xanh, lâm nghiệp xanh – vườn ươm tạo ra các quỹ phát triển không gian xanh cho Hà Nội.
Không gian xanh còn được phân chia theo chức năng tổng hợp, chức năng chuyên đề như: Khu vui chơi giải trí, có không gian xanh mang yếu tố văn hoá… và các không gian cảnh quan mang yếu tố cảnh quan di sản.
Ngoài ra, không gian công cộng xanh là không gian để người dân đến giao tiếp và không gian này được phân chia thành cấp vùng, cấp Thủ đô, cấp quận huyện và đơn vị ở (bao gồm công viên, vườn hoa, sân chơi).
Hiện nay ở Hà Nội có chỉ tiêu không gian xanh, đặc biệt trong đô thị trung tâm thấp hơn so với mức độ quy hoạch không gian xanh của các đô thị mang yếu tố đặc biệt. Cụ thể, theo quy định mỗi đô thị phải đạt ít nhất 7m2 không gian xanh/người nhưng hiện nay trong nội đô Hà Nội mới chỉ đạt 3,5m2/người.
Vừa qua, Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp như: Tăng diện tích sân chơi, xây dựng thêm công viên nhưng thực tế nhiều công viên đang được khai thác sử dụng không đúng chức năng. Đặc biệt thành phố có chủ trương di dời một số cơ sở công nghiệp, giáo dục ra ngoài ngoại thành để lấy diện tích phát triển không gian xanh nhưng hiện nay tiến độ thực hiện còn rất chậm.
Thực trạng này cũng đặt ra bài toán khó để Hà Nội cần phải tập trung tạo ra nhiều không gian sống xanh và chất lượng hơn nữa. Đặc biệt trong khu vực nội đô.
Việc kiến tạo không gian xanh cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Giải pháp thứ nhất là cần khuyến khích tạo ra các điểm xanh, không gian xanh ngay trong chính mỗi hộ gia đình, các công trình công cộng. Hiện nay, các công trình xanh nhà ở vẫn mang tính tự phát như việc trồng cây xanh trên mái nhà, cây xanh ở ban công… Đối với xanh nhà ở cần phải tạo ra được động lực, phong trào để người dân cùng tích cực tham gia mới mang lại hiệu quả.
Giải pháp thứ hai, cũng là giải pháp quan trọng và đem lại hiệu quả nhất chính là thúc đẩy các dự án xanh. Tuy nhiên, bản thân dự án không thể tự “xanh” mà cái gốc quan trọng nhất chính là có định hướng quy hoạch xanh tại các khu đô thị của Hà Nội.
Trước hết mỗi công trình xây dựng cần phải tuân thủ quy hoạch xanh mà thành phố đã phê duyệt, bởi không gian xanh của Thủ đô đã được thành phố “gửi gắm” vào từng khu đô thị, dự án nhà ở.
Tiếp nữa, cần đảm bảo mức chỉ tiêu xanh tối thiểu trong những đơn vị ở của những khu vực có dân cư. Tức là phải đạt tối thiểu 2m2 cây xanh/người, trong đó 1m2 cây xanh trong đơn vị ở và 1m2 cây xanh là cho những sân chơi, vườn hoa.
Lưu ý khi phát triển các đô thị mới cần chú trọng phủ xanh không gian công cộng, các tuyến giao thông quanh khu đô thị, diện tích vườn hoa, cây xanh… Thậm chí đơn vị phát triển dự án phải kế thừa mục tiêu và xây dựng những không gian xanh mà thành phố đã “gửi gắm” vào các dự án khu đô thị của họ. Ngoài ra, những dự án nằm trong võng xanh, vành đai xanh phải lấy tăng chỉ tiêu xanh chứ không phải chỉ gia tăng về chỉ tiêu nhà ở.
Các dự án có quỹ đất nhỏ trong nội đô, khu vực vực trung tâm thì việc khó nhất hiện nay là tuân thủ tiêu chuẩn quy phạm về không gian xanh công cộng là tối thiểu 2m2 cây xanh/người và các dự án khu đô thị phải làm sao vượt qua cả chỉ tiêu đó.
Các dự án nhà cao tầng, diện tích nhỏ có thể tạo lập không gian xanh bằng cách tận dụng được tối đa thiết kế kiến trúc như: Phủ xanh mặt mái nhà, sử dụng vật liệu xanh, tạo các không gian công cộng xanh giữa các toà nhà, có sự tính toán nghiên cứu khi xây dựng để hợp “phong thuỷ” tự nhiên và cần vận động cư dân tạo ra các cấu trúc căn hộ xanh.
Không gian xanh của một khu đô thị có vai trò vô cùng quan trọng. Đó không chỉ là không gian để đáp ứng nhu cầu cho riêng các cư dân của dự án mà còn tạo ra hệ sinh thái cho cư dân xung quanh và làm nên sức hút của thành phố.
Một dự án xanh đúng nghĩa phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí và chi phí xây dựng bao giờ cũng cao hơn thông thường, do đó, chính quyền đô thị cần có cơ chế khuyến khích và ủng hộ chủ đầu tư, ví dụ như cần có cơ chế ưu đãi về giá đất cho doanh nghiệp.
Thứ ba, về các giải pháp quy hoạch – kiến trúc chung, các đô thị lớn cần có hệ thống đất cây xanh dưới dạng vành đai xanh, dải xanh hướng tâm hoặc dải xanh dọc sông ngòi… Các nhà quy hoạch tập trung vào việc nghiên cứu tìm kiếm mối tương quan tối ưu giữa khu vực đất công trình và đất cây xanh. Trong đó phải xây dựng được không gian xanh mang tính thẩm mỹ và chức năng nghỉ ngơi thư giãn. Bên cạnh đó, thiết kế, quy hoạch không gian xanh phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, tính chất, chức năng, truyền thống, văn hóa và bản sắc của địa phương; Phù hợp với yêu cầu và mục tiêu của quy hoạch phát triển đô thị.
Không gian xanh của một khu đô thị có vai trò vô cùng quan trọng.
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN XANH: TRÁCH NHIỆM KHÔNG CỦA RIÊNG AI
KTS: Phạm Thanh Tùng: Hiện nay, phát triển đô thị với không gian xanh rộng lớn không chỉ là xu hướng của Việt Nam mà còn cả thế giới. Cư dân tại các chung cư mới hiện nay đặt ra các tiêu chí và yêu cầu về chất lượng sống cao hơn so với nhiều năm trước. Do đó, chúng ta cũng nghe nhiều đến các định nghĩa không gian xanh, công trình xanh, kiến trúc xanh, đô thị sinh thái.
Tuy nhiên, một số khu đô thị mới hiện nay đang tồn tại 2 vấn đề: Thứ nhất, giữa các bản vẽ bán nhà trên giấy có khác thực tế. Trong quá trình thực hiện dự án, không ít chủ đầu tư điều chỉnh khiến tỷ lệ cây xanh giảm, không gian công cộng, tiện ích cho cư dân ở đó hưởng thụ không còn nhiều. Thứ hai, các khu đô thị không có sự kết nối với giao thông công cộng, không tạo ra việc làm. Do đó, người dân phải di chuyển từ đô thị này sang đô thị khác, từ ngoại thành vào thành phố làm việc dẫn đến những va đập về giao thông, về lối sống.
Khi phát triển các đô thị mới cần chú trọng phủ xanh không gian công cộng, các tuyến giao thông quanh khu đô thị, diện tích vườn hoa, cây xanh.
Chúng ta hướng đến quy hoạch, kiến trúc không gian xanh tại những dự án đô thị mới là rất tốt nhưng cần có cái nhìn chiến lược hơn. Các khu đô thị không thể là những ốc đảo cô độc mà cần có sự hỗ trợ lẫn nhau, kết nối với nhau giữa khu đô thị này với khu đô thị khác.
Cùng với đó, không gian công cộng là sự hưởng thụ của cộng đồng, là sự lan toả và tạo ra sự thân thiện giữa người với người, giữa người với đô thị. Theo đó, để có sự phát triển xanh bền vững, chúng ta phải giải quyết được 2 vấn đề trên.
Hiện nay, xu hướng kiến trúc xanh đã và đang được các kiến trúc sư, các nhà đầu tư bất động sản ứng dụng vào trong thiết kế các công trình nhà ở (cao tầng hay thấp tầng, biệt thự) và công trình công cộng (như trường học, dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí) tại các khu đô thị mới. Đây là sự phát triển tích cực.
Với mật độ xây dựng chỉ từ 20 – 30% và giải pháp thiết kế theo hướng kiến trúc xanh, nhiều khu đô thị mới do các chủ đầu tư lớn có uy tín thực hiện đã tạo lập cho cư dân một không gian sống xanh, một nơi cư trú an toàn, bền vững và thân thiện. Đó chính là những nơi đáng sống.
Tuy nhiên, việc đưa kiến trúc xanh vào cuộc sống không chỉ là trách nhiệm của chủ đầu tư bất động sản, của kiến trúc sư mà hơn hết, có tính quyết định là trách nhiệm của chính quyền đô thị và các nhà lập quy hoạch. Chính quyền phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để những khu đô thị đáng sống trở thành khu đô thị “bất an”. Và vì thế, tôi ủng hộ việc đẩy mạnh tuyên truyền tạo lập những không gian sống xanh trong đô thị hiện đại.
Để hiện thực hoá mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới và 7 khu công viên đặc thù, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, các nhà phát triển bất động sản, các chuyên gia tư vấn phản biện. Nếu các chủ đầu tư tư nhân xây dựng các không gian xanh đúng nghĩa thì Nhà nước cần có sự hỗ trợ bằng kỹ thuật, công nghệ và quản trị. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước cần có những hội thảo để đánh giá về tầm quan trọng của không gian xanh đóng góp cho con người, cho xã hội.
TS.KTS. Phạm Anh Tuấn, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội:
Chúng ta đã và đang nhìn thấy rất rõ hệ luỵ của việc phát triển mảng xanh thiếu cân đối. Đô thị sẽ không thể phát triển bền vững nếu thiếu đi những hạ tầng cốt yếu mang tính cải thiện khí hậu và chất lượng không khí rất lớn như không gian xanh.
Do vậy, để giải quyết những bất cập hiện có, tôi cho rằng, trong quy hoạch cần tận dụng khai thác những khoảng trống trong không gian đô thị, chuyển các vùng đất công do Nhà nước quản lý thành không gian cây xanh mặt nước thay cho việc phê duyệt quy hoạch đầu tư các công trình thương mại, nhà cao tầng. Việc phân bổ diện tích mảng xanh phải đồng đều trên từng khu vực, để tránh trường hợp chỗ thì quá tải, chỗ lại đìu hiu.
Bên cạnh đó, phải có những cơ chế để tận dụng tối đa nguồn lực đất đai ở vùng nội đô. Doanh nghiệp muốn xây nhiều nhà cao tầng thì phải xây dựng mảng xanh để “trả lại” cho cộng đồng, xã hội. Cùng với đó là tìm kiếm nguồn kinh phí để bảo trì công viên, kè bờ hồ, bảo vệ cảnh quan, mặt nước cây xanh bởi việc gìn giữ, bảo tồn công viên, mặt nước nhiều khi còn quan trọng hơn việc xây mới mà không hiệu quả.
An An * Thiết kế: Thảo Quyên