Từ đầu năm tới nay, giá sắt, thép tăng tới 40%, dự án đầu tư đội vốn cả trăm tỷ đồng. Điều này khiến doanh nghiệp (DN) xây dựng khó hoàn thành đúng tiến độ, thậm chí đình trệ thi công bởi càng làm làm lỗ.
Bộ GTVT vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu chủ đầu tư dự án hạ tầng giao thông khẩn trương đề xuất các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực do biến động giá thép. Bộ Xây dựng cũng có công văn đề nghị bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố đánh giá tác động của COVID-19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng đến tình hình dự án đầu tư công.
Về việc dự án đầu tư công có nguy cơ đình trệ khi giá hàng hóa tăng, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, không chỉ thép mà rất nhiều vật liệu xây dựng khác tăng giá đã làm đội vốn công trình xây dựng. Điều này khiến nhiều dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước có nguy cơ đình trệ. Vật liệu xây dựng tăng đã làm thay đổi tổng vốn đầu tư, nội dung quan trọng nhất trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Khi tổng mức đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải xin thay đổi chủ trương đầu tư. Thủ tục này có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm. Vì vậy, nếu Chính phủ không chỉ đạo quyết liệt, giải ngân đầu tư công năm nay chắc chắn sẽ thấp.
Đơn vị thi công Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Phan Thiết – Dầu Giây, doanh nghiệp này tham gia bỏ thầu vào tháng 10/2020 khi giá thép xây dựng được chủ đầu tư cập nhật trong dự toán chỉ khoảng 11.000 – 12.000 đồng/kg. Hiện nay, giá thép đã tăng 40% so với thời điểm đó. Theo một số nhà thầu, không chỉ giá thép tăng mà lượng thép cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu, mặc dù các nhà thầu đã đặt tiền trước cả tháng. Tình trạng này khiến các nhà thầu thi công hạng mục cầu vượt sông đứng trước nguy cơ chậm tiến độ và lỗ nặng. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 4/2021 đã tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng hơn 23%.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) dù có sự chưa thống nhất trong số liệu giữa Tổng Cục thống kê và số liệu ghi nhận thực tế của VACC nhưng sự khó khăn của các doanh nghiệp nhà thầu là có thật, nếu không sớm có những giải pháp tháo gỡ thì rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng phá sản của một số doanh nghiệp không chịu đựng được.
Ở góc độ pháp lý, trong bối cảnh phát sinh nguy cơ tranh chấp liên quan đến hợp đồng xây lắp giữa doanh nghiệp nhà thầu và chủ đầu tư theo chia sẻ của một Luật sư có kinh nghiệm nhiều năm trong việc hòa giải tranh chấp giữa các doanh nghiệp với thì Trường hợp giá VLXD tăng quá cao khiến doanh nghiệp nhà thầu nếu thực hiện hợp đồng có thể thua lỗ nặng được xem là trường hợp “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” để đàm phán lại hợp đồng như quy định đã có trong Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Trước tình hình giá vật liệu xây dựng liên tục tăng, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định có công văn xin kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng hoặc tạm dừng thi công chờ bình ổn giá. Công văn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định gửi đến VCCI, UBND tỉnh Nam Định Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định cho biết, qua khảo sát mặt bằng giá cả thị trường trong tỉnh thời gian qua cho thấy giá các loại vật liệu đầu vào của các công trình xây dựng trên thị trường tăng cao, đặc biệt là mặt hàng thép các loại, thậm chí có những loại VLXD xảy ra tình trạng khan hiếm bất thường như cát xây dựng. Cũng theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định thì khó khăn của các doanh nghiệp xây dựng hiện nay là do tác động kép của dịch bệnh COVID-19 và giá VLXD tăng cao.
Vệc bùng phát dịch bệnh COVID-19 cũng khiến một số doanh nghiệp xây dựng phải dừng thì công cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình phát triển kinh tế chung, nhất là các doanh nghiệp thương mại kinh doanh VLXD, xăng dầu không có đầu ra dẫn đến một lượng lớn nhân công không có việc làm và thu nhập.
Nhật Hạ