Việt Nam đã phải rất vất vả mới thoát được tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Trong tình hình giá vàng tăng nhanh và tăng mạnh như trong những tuần gần đây, liệu tình trạng đó có quay trở lại?
Giá vàng thậm chí đã tăng theo giờ và tăng tới cả triệu đồng chỉ trong một ngày. Ảnh: Thành Hoa
Trong một năm giá vàng tăng 36%
Lâu lắm rồi các nhà đầu tư mới được trải qua cảm giác khi mà giá vàng tăng nhanh và mạnh trong một thời gian ngắn như trong các phiên giao dịch gần đây. Theo ghi nhận tại các cửa hàng vàng trong nước thì có thể thấy giá vàng thậm chí đã tăng theo giờ và tăng tới cả triệu đồng chỉ trong một ngày.
Dữ liệu của Bloomberg (đồ thị 1) cho thấy giá vàng trong nước tính đến ngày 24/7/2020 đã tăng 9% so với ngày 30/6/2020, tăng 27% so với cuối năm 2019 và tăng 36% so với cùng kỳ của năm 2019 (ngày 24/7/2019).
Rất nhiều nhà đầu tư và đặc biệt là những người dân khi coi vàng là các khoản tích lũy, tiết kiệm qua nhiều năm đã bán vàng trong một hai năm trở lại đây để chuyển sang các kênh đầu tư khác. Đây cũng chính là lý do mà trong năm 2019, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng trong nước đã đẩy mạnh việc xuất khẩu ra thị trường quốc tế và thu về tới 2 tỷ đô la Mỹ (1). Cảm giác lúc này có lẽ chính là sự tiếc nuối bởi sẽ chẳng có kênh đầu tư nào mang lại mức lợi nhuận lớn so với sự biến động của giá vàng từ đầu năm 2020 đến nay.
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, giá vàng đã duy trì sự ổn định trong một thời gian rất dài, thậm chí có những thời điểm khi giá vàng thế giới tăng nhưng trong nước gần như không thay đổi. Đó chính là lý do khiến cho vàng gần như không còn được coi là một kênh đầu tư, tiết kiệm hấp dẫn trong những năm gần đây tại Việt Nam.
Vì sao?
Thực tế hiện nay vàng gần như không còn thực hiện chức năng thanh toán mà chủ yếu được xem như một loại tài sản để bảo toàn giá trị. Do vậy, giá vàng trong nước chủ yếu biến động theo giá vàng thế giới (đồ thị 2). Các nhà đầu tư sẽ chuyển sang mua vàng khi mà các kênh đầu tư khác đối mặt với nhiều rủi ro. Đó là khi có nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng kinh tế, sự đổ vỡ của thị trường tài chính, thị trường bất động sản hay xảy ra xung đột về quân sự giữa các quốc gia.
Mặc dù nền kinh tế thế giới chưa chính thức bước vào một cuộc suy thoái, nhưng những diễn biến gần đây đang cho thấy có lẽ điều đó sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ tăng trưởng âm từ 8 – 9% trong năm 2020. Thậm chí là mức độ tăng trưởng âm còn cao hơn khi mà Mỹ hiện vẫn đang là tâm điểm của thế giới về dịch Covid-19. Trong khi đó, chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang gây ra rất nhiều lo ngại cho ổn định toàn cầu. Chính vì vậy, việc giá vàng trên thị trường quốc tế tăng cao cũng là hoàn toàn dễ hiểu.
Đáng lưu ý là giá vàng trong nước lại đang tăng cao hơn so với giá vàng thế giới. Điều đó liệu có cho thấy mức độ bi quan cao hơn của người dân và các nhà đầu tư tại Việt Nam? Câu trả lời là đúng nhưng chưa đủ, bởi lẽ hiện tại tất cả các kênh đầu tư khác đang đối mặt với không ít rủi ro và/hoặc cho mức sinh lời thấp hơn. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện chỉ còn quanh mức 6%/năm, tiền đồng đang đối mặt với áp lực tăng giá so với đô la Mỹ do thặng dư thương mại ở mức kỷ lục, thị trường chứng khoán cũng như bất động sản được xem là đang ở vùng đỉnh của một chu kỳ.
Những hệ lụy cho nền kinh tế là gì?
Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu rằng vàng không nằm trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Do đó, giá vàng tăng không ảnh hưởng đến tình hình lạm phát của Việt Nam. Vậy việc giá vàng liên tục tăng cao liệu có gây ra hệ lụy cho nền kinh tế hay không? Câu trả lời chắc chắn sẽ là có, bởi vàng cũng giống như các loại tài sản khác như chứng khoán hay bất động sản đều phải đối mặt với rủi ro về thanh khoản (Liquidity risk).
Khi mức giá càng cao thì thanh khoản sẽ càng kém. Nếu đơn thuần khi giá vàng trong nước biến động tăng hoặc giảm và có giá bằng với mức giá trên thị trường quốc tế thì gần như sẽ không gây ra nhiều xáo trộn trên thị trường tài chính cũng như tiền tệ của Việt Nam. Bởi đó là sự cân bằng về giá trị giữa thị trường trong nước và quốc tế. Còn trong trường hợp giá vàng trong nước cao hơn đáng kể so với giá vàng thế giới thì sẽ xuất hiện nguy cơ vàng từ nước ngoài tràn vào Việt Nam để tiêu thụ; và/hoặc cơ quan quản lý thị trường vàng là Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp hạn mức nhập khẩu cho các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng. Khi đó, nhu cầu về ngoại tệ tăng cao sẽ gây áp lực cho tỷ giá giữa đô la Mỹ và tiền đồng. Đây là diễn biến đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ.
Tuy nhiên, đó cũng sẽ chỉ là những tác động nhỏ, điều đáng quan ngại hơn chính là việc nguồn lực của người dân không được đưa vào nền kinh tế để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là thực trạng mà chúng ta đã từng đối mặt và phải sau rất nhiều năm thì tâm lý này mới dần thay đổi được. Không có nguồn lực từ trong nước, các doanh nghiệp sẽ buộc phải phụ thuộc vào nguồn vốn từ bên ngoài.
Như vậy, tiền đồng của Việt Nam sẽ luôn trong trạng thái phải đối mặt với rủi ro mất giá như đã từng xảy ra trong quá khứ. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phải theo dõi sát và cần đánh giá được đúng sự dịch chuyển của dòng tiền vào thị trường vàng để sẵn sàng can thiệp nhằm ổn định thị trường thông qua việc cấp quota nhập khẩu, thậm chí là bán vàng trong kho dự trữ quốc gia.
(1) https://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuanLichCongBo/Attachments/1296/2019-T12T-2X(VN-CT).pdf
Theo Ngọc Khanh/Thời báo Kinh tế Sài Gòn