Giá thuê nhà phố mặt tiền lao dốc trong suốt mùa dịch là biểu hiện của tình trạng lệch pha cung cầu. Giá thuê giảm vì nguồn cung nhà phố cho thuê đang tăng mạnh theo những đợt trả mặt bằng, cộng thêm nguồn cầu vẫn còn e ngại dịch bệnh liệu có còn diễn biến bất ngờ nào nữa hay không và sự thích nghi mua sắm trực tuyến đã vào guồng.
Từ lúc giãn cách xã hội lần đầu tiên tháng 3/2020 đến khi đợt Covid-19 lần ba bùng phát, giá thuê nhà phố mặt tiền tại TP HCM có xu hướng giảm sâu dù hai đợt dịch trước đó giá thuê đã điều chỉnh mạnh.
Giá thuê nhà phố mặt tiền hiện rẻ nhất trong một thập kỷ qua khi nhóm khách thuê kinh doanh ẩm thực và thời trang đang dịch chuyển mạnh mẽ từ chợ offline ảm đạm lên chợ online sôi động hơn.
Chuyện người cho thuê và người thuê có thể xem là vấn đề “tay đôi”, hoặc là hợp đồng dân sự giữa hai bên. Hiện việc thuê nhà đang gặp tình trạng cung lớn hơn cầu.
Bên cho thuê có thể hỗ trợ xem xét, giảm giá tối thiểu để bù đắp chi phí vận hành, duy trì, có đồng ra đồng vô lúc dịch giã khó khăn này. Chủ nhà kết hợp với bên có nhu cầu và triển vọng trong kinh doanh để tiếp tục sử dụng mặt bằng đó với một chi phí hợp lý.
Bên thuê cũng phải chia sẻ khó khăn với chủ nhà bằng cách nỗ lực kinh doanh, có thể thay đổi danh mục kinh doanh phù hợp nhu cầu xã hội để có doanh thu.
Giảm nhưng vẫn cao so với doanh thu mang lại
Trong vòng một thập kỷ qua, sự khan hiếm mặt bằng đẹp ở những con phố lớn, khiến giá nhà phố mặt tiền cho thuê bị nâng cao hơn so với giá trị thật từng tạo nên thời hoàng kim của nhóm tài sản này.
Nhưng suốt mùa dịch, nơi đây hiện rõ “nốt trầm” khi hàng quán sôi động được thay bằng băng rôn cho thuê hay sang nhượng nhà kèm số điện thoại. Thậm chí, trước một căn nhà cạnh góc đường này còn kèm giấy thông báo… ngừng cung cấp điện do chủ nhà nợ 2 kỳ, với số tiền chỉ vài trăm ngàn đồng.
Trước đại dịch, những căn nhà mặt tiền, nhất là mặt tiền ở những tuyến đường trung tâm quận 1, quận 3 sầm uất là cuộc giành giật giữa các nhà kinh doanh từ trà sữa, nhà hàng, quán cà phê đến thời trang, mỹ phẩm, dịch vụ làm đẹp… Giá cho thuê nhà phố tăng chóng mặt, tăng đến mức phi lý, có nơi lên tới cả ngàn USD/m2.
Khác với cách vận hành cho thuê mặt bằng bán lẻ trong những trung tâm thương mại, khi chính sách, giá thuê đã được thể hiện và niêm yết rõ, việc đi thuê nhà mặt tiền là giao dịch thuận mua vừa bán của từng người kinh doanh và chủ nhà. Bởi thế, có chủ nhà hạ giá cho thuê để lấy khách, nhưng nhiều chủ lại cố neo giá cao.
Một chủ nhà trên đường Nguyễn Huệ (quận 1) có căn nhà 9×25 m, 1 trệt, 4 lầu, vẫn “hét” giá thuê 360 triệu đồng/tháng, ngang với khi trước dịch. Một căn khác, diện tích 5×20 m ở đường Đồng Khởi có giá tròn 100 triệu đồng/tháng.
Từ năm ngoái dịch Covid-19 xuất hiện, kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân, khắp nơi treo biển bán, cho thuê mặt bằng. Đến đầu năm nay dịch bệnh quay lại khiến đất vàng bị bỏ trống, “ế ẩm” kéo dài thêm.
Ghi nhận từ đầu năm, những mặt bằng bỏ trống, cửa đóng then cài xuất hiện ngày một nhiều hơn… Các chuyên gia cho rằng tình trạng mặt bằng nhà phố bỏ trống lớn hơn các phân khúc khác.
Khác với năm 2020 dù thị trường có nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng phía bên thuê vẫn có 1 mức độ tự tin nhất định và vẫn giữ giá thuê. Tuy nhiên khi dịch bệnh quay trở lại bất ngờ vào đầu năm 2021, bên cho thuê đã phải xem xét lại các điều kiện cho thuê nhằm cân bằng lợi ích giữa các bên trong bối cảnh biến số dịch bệnh vẫn khó lường. Nhiều cửa hàng, mặt bằng treo biển giảm giá 30-40% nhưng vẫn mỏi mắt chờ khách, “khát” người thuê.
Theo các chuyên gia bất động sản, việc neo giá thuê cao có thể dẫn tới tình cảnh ế ấm, đến khi cho thuê được giá ưng ý rồi thì cũng mất vài tháng, thậm chí cả năm nhà bỏ không, như vậy tính ra vẫn thiệt so với cho thuê giá hợp lý mà người thuê nhà chấp nhận được.
Hơn nữa, mối quan hệ giữa người cho thuê nhà và người đi thuê là mối quan hệ cộng sinh, họ có làm ăn được thì mới tiếp tục thuê, bởi thế nếu người cho thuê chỉ nghĩ đến lợi ích của mình, không chia sẻ khó khăn với người đi thuê thì sự hợp tác sẽ không bền.
Nhật Hạ
( Tổng Hợp)