Hàng loạt mặt bằng kinh doanh tại Hà Nội treo biển cho thuê, giảm giá cho thuê, thậm chí phải đóng cửa vì không có khách, doanh thu sụt giảm do tác động của Covid-19, thế nhưng, giá chào thuê vẫn cao ngất.
Số lượng người ghé thăm các trung tâm thương mại mua sắm hàng hóa đã bắt đầu gia tăng trở lại, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với trước Covid-19. Trong đó, nhờ việc các thương hiệu nước ngoài lớn tiếp tục mở thêm các cửa hàng mới trong dịch bệnh như Uniqlo, MLB…, đã phần nào hỗ trợ cho việc khách hàng đến trung tâm thương mại.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng tỷ lệ trống vẫn đang gia tăng ở nhiều trung tâm thương mại.
Ở khu vực trung tâm, mặc dù có lợi thế về vị trí và nguồn cung hạn chế, nhưng tỷ lệ trống vẫn tăng 10,33 điểm phần trăm so với quý trước và 9,71 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái trong quý III/2020 vừa qua, lên tới 11,05%.
Đây là quý đầu tiên trong 8 năm trở lại đây các trung tâm thương mại tại khu Trung tâm có tỷ lệ trống cao như vậy. Ngoài ra, đáng lưu ý giá thuê tầng trệt gần như không giảm, vẫn đang leo ở mức 98,62 USD/m2/tháng, tương đương với gần 2,3 triệu đồng/m2/tháng.
Đối với khu vực ngoài khu trung tâm, tỷ lệ trống vẫn duy trì ở mức cao và có xu hướng gia tăng, đạt 11,15%, cao hơn 1,37 điểm phần trăm theo quý và 2,93% điểm phần trăm theo năm. Giá thuê tầng trệt và tầng một một số khu vực ngoài trung tâm đạt trung bình 24,53 USD/m2/tháng, tương đương mức 570.000 đồng/m2/tháng.
Vì hầu hết khách thuê đang gặp phải những thách thức và với mức giá chào thuê cao có thể xem là nguyên nhân gia tăng tỷ lệ trống trong thời gian gần đây.
Đi dọc đường Nguyễn Huệ, không ít căn nhà được rao thuê với giá 500-600 triệu đồng/tháng. Những mặt bằng có diện tích nhỏ hơn cũng có giá từ gần 100 triệu đến 250 triệu đồng/tháng.Thậm chí, tại chung cư 42 Nguyễn Huệ nổi tiếng vốn thu hút giới trẻ và khách du lịch, các căn nhà cũ có diện tích khoảng 40-50 m2 cũng có giá thuê mỗi tháng khoảng 20-50 triệu đồng tùy vị trí.
Trước đây, nhiều người cố gắng thuê mặt bằng đẹp với kỳ vọng kinh doanh tốt nhưng thực tế thị trường khó khăn, dịch bệnh khiến lượng khách sụt giảm, kinh doanh sa sút. Một số khác dù đang kinh doanh tốt nhưng giá mặt bằng không ngừng tăng cũng buộc họ phải thay đổi chiến lược tìm các thị trường có chi phí mặt bằng thấp hơn.
Đại diện một chủ quán kinh doanh chuỗi lẩu hải sản đến từ Hongkong cho biết, sức mua kém khiến các cửa hàng kinh doanh ế ẩm và nhiều nhà đầu tư không dám thuê mặt bằng mở cửa hàng vì chi phí quá lớn. Thêm nữa, dịch COVID-19 đang khiến cho thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi.
Bản thân chuỗi cửa hàng này cũng đã và đang tính tiếp việc rút lại một số cửa hàng do khả năng khai thác quá kém, trong khi chi phí vận hành lớn, đồng thời chỉ duy trì một số cửa hàng vẫn có hiệu quả kinh doanh cao do nằm trong các trung tâm thương mại lớn có lượng người đến đông như Aeon hay Lotte.
Các dự án vẫn có tỷ lệ mặt bằng cho thuê cao là thuộc về những doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ tốt cho khách hàng thuê. Chẳng hạn như chương trình 300 tỷ đồng hỗ trợ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại của Vincom Retail hay chương trình giảm giá 20 – 40% giá thuê từng đối tượng của Hưng Thịnh Retail.
Trong quý III/2020, giá chào thuê trung bình cho cả hạng A và hạng B ở mức 46,8 USD/m2/tháng và 33 USD/m2/tháng, tăng lần lượt 4,5% và 11,5% so với quý trước. So với cùng kỳ năm 2019, giá chào thuê hạng A giảm nhẹ 0,2%, trong khi hạng B tăng mạnh 26,1%. Qua đó, chứng tỏ nhu cầu thuê văn phòng vẫn chưa hề hạ nhiệt dù đợt hai bùng phát dịch Covid-19.
Do quý II không ghi nhận nguồn cung mới nên tỷ lệ lấp đầy của văn phòng hạng A và B trong quý III tăng lên gần mức đỉnh. Cụ thể, tỷ lệ trống của văn phòng hạng A và B chỉ lần lượt là 2% và 5%.
Về nguồn cung, tính đến tháng 9/2020, tổng nguồn cung văn phòng hạng A đạt gần 325.000 m2 và không có thêm nguồn cung mới trong quý. Đáng lưu ý, nguồn cung này chỉ bằng 10,2% nguồn cung tại Singapore và 8,4% của Kuala Lumpur (Malaysia). Do đó, nguồn cung văn phòng hạng A tại TP.HCM được đánh giá là vẫn rất khan hiếm.