Thị trường bất động sản năm 2021 sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách đặc biệt khi dịch bệnh đang bùng phát trở lại. Tuy nhiên, nhà đất vẫn là kênh đầu tư được người dân lựa chọn và là hướng trú ẩn an toàn trong bối cảnh như hiện nay.
Những cơn sóng đất này gây sát thương cực lớn cho những người mua thiếu kinh nghiệm như Bình Phước hay như các huyện ngoại thành Hà Nội… Đây cũng là khu vực thường xuyên xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách vẽ các dự án ma, không có trên quy hoạch hoặc chưa được phê duyệt khiến người mua mất trắng.
Nhiều cơn “sốt đất” trong quá khứ đến giờ vẫn đang để lại bài học nhãn tiền nhưng hình như không có “sức nặng” đối với nhà đầu tư. Ví như cơn sốt đất khu vực Ba Vì sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội năm 2008. Khi có thông tin quy hoạch Thủ đô sẽ chuyển trung tâm hành chính các bộ, ngành tại Ba Vì, năm 2009 đã xảy ra sốt đất tại các xã trong dự kiến quy hoạch.
Đến năm 2011, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 không có quy hoạch trung tâm hành chính ở khu vực này, giao dịch đất đai ở đây đã không còn và hậu quả là nhiều nhà đầu tư hiện vẫn bị chôn vốn. Tuy vậy, tình trạng “sốt đất” ăn theo thông tin quy hoạch vẫn cứ lặp đi lặp lại tại Hà Nội và một số địa phương trên cả nước.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, thời điểm sau Tết, giá bất động sản tại một số huyện ngoại thành Hà Nội tăng nhưng chưa phải tăng theo giá trị đầu tư thật, mà chủ yếu do những nhà đầu cơ, lướt sóng, tập trung vào những khu vực thị trường “nóng”, ăn theo thông tin quy hoạch, đề xuất dự án hạ tầng hoặc thông tin lên quận huyện.
Thông tin được giới đầu cơ tận dụng nhiều nhất, nhanh nhất, có lẽ là quy hoạch sân bay. Ví như tại Long Thành (Đồng Nai); Mũi Né (Bình Thuận) và mới đây là Hớn Quản (Bình Phước)… Khi có thông tin về quy hoạch sân bay, giá đất đã nhanh chóng tăng theo cấp số nhân. Cùng với đó, tình trạng san nền, mua bán đất ruộng cũng diễn ra phổ biến.
Mới đây, vị chuyên gia này cũng nhận được thông tin sốt đất tại khu vực Bình Phước bởi tin đồn đầu tư sân bay Technic. Ông phân tích: những thông tin giá đất tăng cao tại khu vực này là sốt ảo. Có nhiều nhà đầu tư mới hoặc có mặt ở những khu sốt đất mới, phần vì tò mò, phần vì “ăn theo đám đông” mua lướt sóng, đặt cọc sang tay kiếm tiền trong ngày. Tuy nhiên, bài học ở những cơn sốt đất đem lại rủi ro thanh khoản cũng như pháp lý… luôn trực chờ, nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo.
Mặc dù là xu hướng trong những năm tới, có nhiều tiềm năng nhưng vùng ven cũng là nơi khiến các nhà đầu tư sa lầy nếu không nhạy bén và có kế hoạch tính toán rõ ràng. Thực tế cho thấy, vùng ven là nơi khởi phát cho những cơn sóng đất chớp nhoáng chạy theo thông tin mập mờ về các dự án hạ tầng giao thông, những khu đô thị chỉ mới dạng đề xuất của các ông lớn bất động sản.
Khi nhà đầu tư đi trước đã chốt lời, đội cò đất rút đi, giá tụt không phanh và không có giao dịch, thì rủi ro, thiệt thòi hoàn toàn thuộc về người mua cuối. Do đó, trước khi xuống tiền, người mua là phải tìm hiểu thật kỹ thông tin quy hoạch tại địa phương; pháp lý bất động sản; giá trị sử dụng thực của đất.
Không ít đối tượng dùng chiêu trò để tạo sóng, thu lợi rồi rút và để lại hậu quả nhiều mặt. Chẳng những nhà đầu tư nhỏ bị chôn vốn, mất vốn, gánh nợ ngân hàng, mà còn để lại những khu đất bỏ hoang, làm xáo trộn đời sống kinh tế – xã hội của cả khu vực.
Chưa bao giờ, thị trường đất nền vùng ven lại sôi động như hiện nay khi vừa ra Tết, hàng loạt các dự án đồng loạt chào hàng. Tại địa phương nào, đội ngũ “cò” bất động sản lập tức chạy hết công suất quảng bá dự án, câu kéo khách bằng đủ chiêu trò khiến thị trường sôi sục, giá tăng loạn xạ.
Nhật Hạ
( Tổng Hợp)