Trên thị trường bất động sản, ngày càng xuất hiện nhiều dự án có giá bán cao kỷ lục, ngoài sức tưởng tượng của đại bộ phận khách hàng, nên không khó hiểu khi cụm từ “ngáo giá” thường xuyên được các chuyên gia và nhà đầu tư sử dụng.
Theo nhiều chuyên gia BĐS, trong giai đoạn từ 2015 đến giữa năm 2018, thị trường BĐS hồi phục và phát triển, khiến các nhà đầu tư dễ dàng “lướt sóng” khi đánh đâu thắng đó. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay, thị trường BĐS đã chững lại. Mặt khác, nhiều người cũng có xu hướng giữ tiền mặt để dự phòng khi bất trắc. Trong xu hướng này, việc đầu cơ “lướt sóng” căn hộ chung cư không còn là phương án khả thi.
Ghi nhận chung từ công tư tư vấn bất động sản CBRE cho thấy, trong năm 2019, giá căn hộ hạng sang tại TP. HCM đã tăng 17% so với năm trước, và mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng giá bán đến cuối quý III năm nay vẫn tăng 1% so với cuối năm ngoái, đạt bình quân 6.371USD/m2. Phân khúc căn hộ cao cấp năm nay bình ổn giá sau khi đã tăng 10% năm ngoái và đạt 2.518USD/m2.
Theo số liệu từ Savills Việt Nam, giá bán chung cư sơ cấp trên thị trường Hà Nội vẫn tăng 7% theo năm, đạt 1.460 USD/m2.
Như vậy, ngay cả trong thời gian thị trường bất động sản và nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, giá nhà đất trên thị trường sơ cấp vẫn rất cao và và có xu hướng tăng, trái ngược với một số nhận định rằng giá bán sẽ giảm vì dịch bệnh.
Mặt bằng chung cho giá căn hộ cao cấp tại Thủ Thiêm đã lên tới 120 -160 triệu đồng/m2, được dẫn dắt bởi các dự án mới chào bán gần đây như The Metropole, Empire City, The River. Căn hộ một phòng ngủ tại Thủ Thiêm có thể lên tới 7-8 tỷ đồng trong khi những căn hộ 2 -3 phòng ngủ có giá 10 – 20 tỷ đồng. Giá bán liên tục tịnh tiến ở những dự án thành phần thuộc đại đô thị Vinhomes Grand Park. Năm ngoái, chủ đầu tư chào bán phân khu căn hộ đầu tiên của dự án 271ha này với giá 30 – 40 triệu đồng/m2. Nhưng ở phân khu với là The Origami, giá đã tăng lên 40 – 50 triệu đồng/m2.
Giá đất xây biệt thự, nhà phố đã lên đến 150 – 200 triệu đồng/m2, mức cao chưa từng có ở quận 9, TP. HCM.
Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), năm 2020 là năm thứ 2 thị trường BĐS và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Quy mô thị trường BĐS và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Trong năm 2020, số lượng dự án được phê duyệt, cấp phép mới thấp nhất từ trước đến nay, dẫn đến nguồn cung của thị trường bị thu hẹp rất nhiều. Doanh nghiệp nào còn hàng sẽ được quan tâm, đồng thời giá sản phẩm cũng được đẩy cao hơn bình thường. Do ảnh hưởng của dịch, lẽ ra các doanh nghiệp phải ế ẩm vì không bán được hàng. Tuy nhiên, thực trạng rõ ràng là doanh nghiệp không có hàng để tung ra thị trường tại thời điểm đó.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay khiến thị trường bất động sản Việt Nam rơi vào trạng thái ảm đạm. Đại dịch đã tác động lên tất cả các phân khúc của thị trường. Qua 2 đợt dịch bùng phát, tính đến tháng 8 năm 2020, có đến 923 doanh nghiệp bất động sản phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác.
Nguồn cung căn hộ hạn chế nhưng tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng dân số diễn ra nhanh và giảm quy mô hộ gia đình đã góp phần làm tăng nhu cầu nhà ở của người dân. Do giá bán ngày càng tăng nên thị trường hiện đang rất thiếu những căn hộ giá hợp lý trong khi nhu cầu của người mua nhà đối với những sản phẩm này đang tăng nhanh trong thời gian qua.
Khan nguồn cung nhưng lực cầu vẫn tăng mạnh đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ở những vùng đất mới, đặc biệt là đổ ra các vùng lân cận của những thành phố lớn. Tâm lý muốn kiếm lời nhanh cùng với sự thiếu kiểm soát của địa phương khiến cho giá đất vùng ven, ngay cả những nơi hạ tầng còn yếu kém cũng tăng cao đột biến. Tuy nhiên, về lâu dài, dòng tiền đầu tư sẽ hướng về các sản phẩm đất nền và chung cư ở những tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch và các địa phương có hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận tiện. Trong đó, lợi thế thuộc về các tỉnh gần Hà Nội và Tp.HCM như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu.
Năm 2020 sắp khép lại, giới chuyên môn nhận định, bức tranh thị trường bất động sản năm 2021 sẽ tươi sáng hơn nhờ vào những quyết tâm rất lớn và kịp thời của Chính phủ. Đồng thời, đây sẽ là công cụ hỗ trợ, một đòn bẩy đắc lực không chỉ cho các doanh nghiệp đang gặp khó trong lĩnh vực bất động sản, mà còn cho cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.