Ở thời điểm hiện tại, cơn sốt tiền số vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, vẫn còn đó những câu hỏi lớn về việc các quốc gia trên thế giới rồi sẽ điều tiết tiền ảo như thế nào.
Tháng 10 vừa qua, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) Bitcoin đầu tiên ở Mỹ đã bắt đầu được giao dịch, cho phép các nhà đầu tư tại thị trường này đặt cược vào tiền ảo mà không phải trực tiếp mua tiền ảo.
Nếu như Bitcoin luôn ở vị trí thứ nhất, thì Ethereum luôn ở vị trí thứ hai trong thế giới tiền ảo. Giá trị vốn hoá thị trường của Ethereum hiện đạt hơn 560 tỷ USD. Tuần trước, giá Ethereum đạt kỷ lục sát mốc 5.000 USD. Hệ thống Ethereum ra đời vào năm 2015 với tư cách một phần mềm mã nguồn mở dựa trên chuỗi khối, và đồng Ethereum là đồng tiền ảo của hệ thống này. Năm nay, giá đồng Ethereum đã tăng hơn 540%. Giới đầu tư tin rằng đồng Ethereum, hay còn gọi là Ether, sẽ là chìa khoá cho lĩnh vực tài chính phi tập trung bao gồm hợp đồng thông minh (smart contract) và NFT.
Hệ thống Ethereum được tạo ra để mở rộng tính năng của công nghệ blockchain khỏi Bitcoin, để công nghệ này có ứng dụng rộng rãi hơn thay vì chỉ là một đồng tiền ảo. Và không giống như Bitcoin, nguồn cung của đồng Ethereum không bị giới hạn. Những đồng Ethereum mới liên tục được tạo ra thông qua quy trình đào tương tự như đào Bitcoin.
Bitcoin đã là đồng lớn nhất trong “vũ trụ” tiền ảo. Theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com, Bitcoin hiện có giá trị vốn hoá thị trường khoảng 1,246 nghìn tỷ USD. Được tạo ra vào năm 2009 bởi một nhân vật đến nay vẫn ẩn danh, Bitcoin dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Về bản chất, blockchain là một hệ thống sổ cái phi tập trung lưu trữ hồ sơ của các giao dịch. Đó là sự khách biệt chủ chốt giữa Bitcoin và các đồng tiền giấy truyền thống như đồng USD hay Euro – tất cả đều nằm dưới sự kiểm soát của ngân hàng trung ương.
Nhiều người ủng hộ Bitcoin gọi đồng tiền ảo này là một “kênh lưu trữ giá trị” – địa vị vốn thường được gán cho những kênh đầu tư an toàn truyền thống như vàng. Họ lập luận rằng Bitcoin là một công cụ tốt để chống lại lạm phát, một vấn đề đang gây lo ngại đối với các nhà đầu tư trên toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, giá Bitcoin cũng thường xuyên biến động mạnh, trong đó có những pha “rơi tự do” có thể gây mất mát giá trị ở mức hai con số chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ.
Một phần giá trị của Bitcoin được quyết định bởi số lượng có hạn của tiền ảo này. Số Bitcoin được tạo ra giới hạn ở mức 21 triệu đồng, và hiện vẫn còn một phần số Bitcoin này chưa được đưa vào lưu thông. Các “mỏ” (mine) Bitcoin sử dụng máy tính công suất lớn để giải những thuật toán phức tạp nhằm tạo ra những “khối” mới trên “chuỗi”. Quy trình này giúp họ nhận được Bitcoin. Tuy nhiên, phần thưởng Bitcoin mà họ nhận được giảm một nửa sau mỗi 210.000 “khối” được tạo ra. Trước đây, các sự kiện “halving” (giảm một nửa) này đã khiến giá Bitcoin biến động mạnh. Ngoài ra, quy trình đào Bitcoin cũng tiêu thụ cực nhiều điện năng, dẫn tới mối lo ngại lớn về môi trường từ đồng tiền ảo lớn nhất thế giới.
Tether đang đứng thứ tư trong danh sách tiền ảo theo giá trị vốn hoá, với tổng giá trị vốn hoá thị trường đạt gần 74 tỷ USD. Đồng này là một ví dụ điển hình về “stablecoin” – tiền ảo có giá trị neo buộc với một tài sản thực, có thể là tiền giấy. Cụ thể, Tether được neo buộc vào đồng USD, nhờ đó giá trị của Tether tương đối ổn định so với các tiền ảo khác. Khi được tạo ra vào năm 2014, giá trị của 1 đồng Tether được thiết lập ở mức 1 USD.
Sự bấp bênh về quy chế giám sát là một chủ đề lớn đối với tất cả mọi tiền ảo, các đồng stablecoin như Tether đối mặt rủi ro đặc biệt lớn. Đầu tháng này, nhóm công tác của Tổng thống Joe Biden về thị trường tài chính, Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC), và Văn phòng Kiểm soát tiền tệ Mỹ (OCC) đồng loạt kêu gọi Quốc hội nước này áp quy định giám sát ngân hàng lên stablecoin. Các cơ quan chức năng lo ngại rằng các đồng stablecoin thực chất không hề ổn định, có thể gây tổn thất cho nhà đầu tư và gây bất ổn tài chính.
Binance Coin là đồng tiền ảo lớn thứ ba hiện nay, với giá trị vốn hoá thị trường ở mức gần 108 tỷ USD. Đồng này là một sản phẩm của Binance Exchange, sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới về giá trị giao dịch. Binance Coin được tạo ra để làm phương tiện thanh toán phí giao dịch trên sàn này. Số lượng Binance Coin được giới hạn ở mức 200 triệu đồng, nhưng các đồng cũng thường xuyên bị huỷ, hay còn gọi là “đốt”, nhằm giới hạn tổng nguồn cung và ổn định giá trị. Điều này có nghĩa giá trị Binance Coin ít biến động hơn so với các tiền ảo khác.
Một điểm khác biệt nữa của Binance Coin là tiền ảo này chỉ có thể chuyển đổi sang các tiền ảo khác và không thể chuyển đổi thành USD hay các tiền giấy khác.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)