Giá căn hộ sơ cấp sẽ tiếp tục xu hướng tăng từ nay đến hết 2021, bất chấp việc mức giá trung bình ở nhiều khu vực đã đội lên rất cao trong năm 2020 vừa qua khi đại dịch diễn biến phức tạp.
Nguồn cung căn hộ mở bán khan hiếm, trong khi nhu cầu mua ở và đầu tư hiện vẫn rất cao sẽ là yếu tố khiến các chủ đầu tư đẩy giá bán căn hộ lên. Minh chứng là những dự án mở bán từ thời điểm cuối 2020 đến cận Tết Nguyên đán vừa qua luôn trong tình trạng đắt hàng, dù giá bán giai đoạn sau luôn cao hơn giai đoạn trước đó từ 5-10%.
Đối với mảng thứ cấp, giá bán căn hộ tại TP.HCM cũng sẽ được đà ăn theo sự khan hiếm nguồn cung của sơ cấp, dự báo sẽ có mức tăng từ 7-10% trong năm 2021.
Tuy nhiên, bất chấp đại dịch, nhiều nhà đầu tư ngắn hạn đã tận dụng mức ưu đãi lên đến 20% của một số chủ đầu tư đưa ra trong thời điểm trước thềm năm mới âm lịch nhờ cơ hội tăng đáng kể lợi tức đầu tư của họ.
Trong khi đó, các nhà đầu tư trung và dài hạn chú trọng hơn trong việc lựa chọn các dự án có vị trí, tiện ích và chất lượng quản lý. Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19, họ đã chứng kiến thị trường căn hộ cho thuê bị ảnh hưởng rõ rệt về nhu cầu thuê và giá thuê khi nhóm khách nước ngoài trở về nước trong năm 2020.
Tâm lý người mua nhà thường quan tâm đến các căn hộ đã bàn giao trong khoảng 2 năm trở lại đây, căn hộ đang trong giai đoạn bàn giao hoặc căn hộ sắp bàn giao với mức ngân sách phù hợp tài chính. Những yếu tố của căn hộ mà người mua nhà quan tâm ở đầu năm 2021 sẽ bao gồm chính sách ưu đãi, tính pháp lý, uy tín chủ đầu tư, giá thành, vị trí và môi trường sống.
Tại TP.HCM, theo ghi nhận của Rever từ đầu năm 2021 đến nay, trong khi nguồn cung căn hộ sơ cấp hạn chế, số lượng dự án mở bán ra thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay thì hoạt động giao dịch căn hộ thứ cấp có phần “sáng sủa hơn” với lượng giao dịch trên thị trường khá tốt, nhất là ở dòng phân khúc căn hộ từ 2 – 3 tỷ đồng.
Nguồn: Rever
Xu hướng tăng giá bán căn hộ thứ cấp đang diễn ra đều ở nhiều khu vực của TP, đặc biệt tại các khu vực đang “nóng” như quận 7, Bình Thạnh, Nhà Bè, đặc biệt là Thành phố Thủ Đức.
Đầu năm 2021, thị trường nhà ở tại TP.HCM có phần chững lại do dịch Covid-19 và thời điểm hậu Tết. Người mua nhà lúc này cũng đang có nhiều thay đổi, cân nhắc về khẩu vị đầu tư do giá căn hộ mới tăng cao và nguồn cung hạn chế.
Giá bất động sản tăng cao tại nhiều địa phương đang khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại sẽ xảy ra tình trạng “bong bóng” trong năm 2021. Báo cáo thị trường BĐS của nhiều đơn vị nghiên cứu cho thấy, nguồn cung nhà ở đang thấp nhất trong 5 năm qua, trong khi giá chưa có dấu hiệu giảm, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bất chấp các khó khăn về pháp lý, tài chính và dịch COVID-19.
Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia BĐS cho rằng, dòng tiền đang “ùn ùn” đổ vào BĐS, vì nhiều ngành nghề phát triển chậm, lãi suất ngân hàng thấp, nên nhiều nhà đầu tư tìm đến BĐS như kênh đầu tư “trú ẩn” an toàn. Điều này đã dẫn đến hiện tượng nhu cầu thật mua BĐS để ở ít, chủ yều để đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết thêm, năm 2021 sẽ là năm đầu tiên các cấp chính quyền địa phương mới nhận nhiệm vụ, chắc chắn sẽ có những động thái thúc đẩy phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển các dự án BĐS để tạo nguồn thu cho địa phương.
Hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường cũng được Chính phủ và các bộ, ngành ban hành sẽ có hiệu lực cũng sẽ góp phần đảm bảo thị trường minh bạch, phát triển ổn định.