Ngay cả những thời điểm rất đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát, nhà nhà “tích cốc phòng cơ” vì xác định kinh tế sẽ rất khó khăn thì giá nhà đất ở hầu hết các địa phương lớn trên cả nước không những không giảm, mà vẫn “lầm lũi” tăng.
Dẫn số liệu từ báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VARS cho biết, những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến nhiều người lao động mất việc làm, thu nhập giảm mạnh, trong khi vẫn phải chi trả các khoản cố định như ăn uống hàng ngày, tiền điện, nước, học phí cho con cái… Thậm chí, nhiều hộ gia đình phải “tiêu lạm” vào số tiền tích lũy từ những năm trước đó vì không có việc làm, dẫn đến dù nhu cầu nhà rất lớn nhưng giao dịch rất chậm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc, hiện cả nước có 39,4 triệu người sống ở các khu vực đô thị, chiếm 40,9% dân số và cứ 1.000 người dân sống ở các đô thị thì có 200 người là người nhập cư. Thống kê cũng chỉ ra rằng, gần một nửa số người di cư phải đi thuê, mượn nhà để ở và đương nhiên, khó có thể mơ một giấc mơ xa vời về những căn hộ nhiều tỷ đồng vốn đang chiếm tỷ lệ áp đảo trong nguồn cung.
Tân Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã hơn một lần nhắc đến nhiệm vụ thực thi Chiến lược nhà ở quốc gia. Người đứng đầu ngành xây dựng thừa nhận giá nhà tại Việt Nam đang vượt quá khả năng của phần lớn người lao động, do đó, cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại có giá phù hợp, đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả của các nhóm đối tượng. Giải pháp mà ông Nghị đề xuất là cách thay đổi căn bản tư duy thiết kế luật, cơ chế chính sách, các giải pháp phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. Theo đó, cần ưu tiên công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, hoàn thiện pháp luật. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá và phải dành nguồn lực thích đáng để thực hiện.
Báo cáo quý I/2021 vừa được Bộ Xây dựng công bố cho thấy, các dự án căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 vắng bóng trên địa bàn các đô thị cả nước, còn ở Hà Nội hay TP.HCM, dạng căn hộ này gần như “tuyệt chủng”.Đa số dự án chung cư mới tại Hà Nội thuộc phân khúc trung cấp và có giá bán dao động từ 30 – 40 triệu đồng/m2, tập trung nhiều tại các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Gia Lâm. Còn tại TP.HCM, chung cư phân khúc trung cấp có giá cao hơn, dao động từ 35 – 45 triệu đồng/m2. Báo cáo mới đây của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, thủ tục đất đai là chỉ số hầu như không có sự cải thiện qua nhiều năm. Các khó khăn có thể kể đến là cán bộ không hướng dẫn đầy đủ, chi tiết (với 18% doanh nghiệp gặp phải); việc xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian (16%) và quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ không đúng quy định (12%). Khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải là thời hạn giải quyết hồ sơ lâu hơn so với quy định (với 38% doanh nghiệp gặp vấn đề).
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh từng thừa nhận rằng, thời gian vừa qua, hầu hết doanh nghiệp bất động sản mới chỉ quan tâm đầu tư dự án nhà ở phục vụ cho các đối tượng có thu nhập cao, trong khi theo tính toán, nhu cầu đối với phân khúc bình dân, giá dưới 25 triệu đồng/m2 chiếm tới 70 – 80%. Ông Sinh cũng cho biết rằng, Bộ Xây dựng đang xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp khuyến khích phát triển dự án nhà ở thương mại giá thấp (căn hộ chung cư dưới 70 m2 và giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2). Thông tin này thực ra không mới mà trước đó, từ tháng 11/2020, trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM, đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết là “đang trình” Chính phủ, nhưng cho đến hiện tại, nghị quyết này với những cơ chế ưu đãi cụ thể về bố trí quỹ đất; thủ tục đầu tư xây dựng hay cơ chế huy động vốn vẫn chưa thấy đâu và nhà ở giá thấp thì… ngày càng mất dạng.
Những điều đó cho thấy sự “bất kham” của giá nhà đất và giấc mơ an cư ngày càng rời xa tầm tay người lao động có thu nhập trung bình nếu Nhà nước không có những giải pháp thực sự đột phá.
Nguyễn Cương