Khung giá đất, bảng giá đất tăng tác động đến giá cả thị trường bất động sản, vì bảng giá đất tăng sẽ kéo giá nhà ở tăng theo. Giá thành nhà ở bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có chi phí thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước.
Khung giá đất là do Nhà nước ban hành và được xây dựng giai đoạn 05 năm/lần. Bảng giá đất của cấp tỉnh phải căn cứ vào khung giá đất. Tháng 12/2019, Chính phủ đã ban hành nghị định về khung giá đất 2020-2024, theo đó yêu cầu tỉnh không tăng không quá 20%. Riêng Hà Nội và TPHCM, nghị định của Chính phủ quy định không tăng giá đất. Điều đó có nghĩa khung giá đất mới không có sự xáo trộn lớn.
Các địa phương sẽ không thu hút được nhà đầu tư nếu cứ biến bảng giá đất thành rào cản. Nếu “khung giá đất”, “bảng giá đất” tăng vừa phải sẽ tạo môi trường đầu tư ổn định. Ở hướng ngược lại, nếu khung giá đất, bảng giá đất có mức giá quá cao sẽ tác động đẩy giá đất các dự án lên cao (trên thị trường sơ cấp), tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, các ngành kinh tế khác và môi trường đầu tư, kể cả trong việc thu hút dòng vốn FDI. Điều này trở thành rào cản khi các doanh nghiệp muốn đầu tư vào các tỉnh.
Theo CBRE Việt Nam, sự hình thành của các khu đô thị quy mô được xem là điểm nhấn đáng chú ý tại thị trường nhà ở các tỉnh lân cận TP.HCM. Các khu đô thị này được hình thành dọc theo các tuyến giao thông kết nối TP.HCM và các tỉnh, thành nên rất được khách hàng ưa chuộng. Song, phần lớn người mua bất động sản là để đầu tư. Họ tìm kiếm các sản phẩm bất động sản và “xuống tiền” từ giai đoạn đầu tiên, sau đó đợi tăng giá và bán lại.
Còn theo số liệu giá của Công ty nghiên cứu thị trường Batdongsan.com.vn, ở Bình Dương, mức giá của năm 2019 đã tăng trên 30% so với năm 2018 và năm 2020 đã tăng lên tới 45%; ở thị trường Đồng Nai, nhờ lợi thế tiếp giáp khu Đông TP.HCM và các hoạt động đầu tư hạ tầng của địa phương, đặc biệt là dự án cao tốc, dự án xây dựng các tuyến Metro… và khung giá đất mới được áp dụng đã kéo giá đất, nhà tăng mạnh. Điển hình như Biên Hòa, chỉ trong năm 2018-2019 tăng trên 30% và năm 2019-2020 đã tăng trên 40%, dự báo giá nhà sẽ tăng hơn nữa trong năm 2021 khi sự dịch chuyển của các dự án về đây tăng lên.
Đặc biệt, giới phân tích cho rằng giá nhà tại TP. Biên Hòa trong thời gian tới sẽ còn tăng mạnh, bởi xét về mức giá nhà thì hiện tại TP. Biên Hòa đang ở mức trung bình từ 20 đến 45 triệu/m2, so với TP. Dĩ An (Bình Dương) mức giá đang là từ 30 tới 60 triệu/m2. Trong khi lợi thế về giao thông, quy hoạch cũng như tiện ích vui chơi, giải trí, trường học, bệnh viện thì Biên Hòa lại đang xếp cao hơn TP. Dĩ An.
Lấy ví dụ nhiều tỉnh thành đã đạt được những thành công lớn về thu hút đầu tư mà không cần tận thu từ việc tăng bảng giá đất. Đó là bài học của TP.HCM khi miễn tiền thuê đất, áp dụng một số chính sách miễn thuế cho Intel Hoa Kỳ để mời bằng được tập đoàn này vào khu công nghệ cao. TP.HCM đã trải thảm đỏ với tập đoàn này bằng chính sách ưu đãi cao nhất từ xưa tới nay. Khi Intel vào sẽ tạo ra hệ sinh thái, thế giới sẽ thấy Intel lựa chọn TP.Hồ Chí Minh, kéo theo các đối tác của họ, kéo theo “bầy chim đại bàng khác”.
Hay như tại Bình Dương, địa phương này đã rất thành công từ câu chuyện tạo cơ chế chính sách mời gọi đầu tư biến nơi đây từ một tỉnh nông nghiệp thành “thủ phủ” công nghiệp với tốc độ thu hút FDI luôn đứng đầu cả nước.
Khoảng 2 năm trở lại đây, TP.HCM có rất ít các dự án mới được phê duyệt. Những dự án từ giai đoạn trước cũng gặp nhiều khó khăn ở thủ tục pháp lý. Trong khi đó, thị trường bất động sản các khu vực lân cận lại phát triển mạnh. Thêm vào đó, việc các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương… áp dụng khung giá đất mới đã khiến giá bất động sản tăng mạnh.
Bảng giá đất tăng mạnh sẽ có tác động dây chuyền, kích hoạt mặt bằng giá bất động sản tăng. Cùng với đó, trên thị trường hiện nay có một lực lượng cò đất, đầu nậu luôn sẵn sàng dùng những chiêu thức kích giá lên. Trước đó, họ đã mua gom đất với giá rẻ và họ chỉ chực chờ bảng giá đất tăng là “mượn gió bẻ măng”, “đục nước béo cò”, đẩy giá lên để thu lợi.
Theo các chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản vùng ven tăng giá do ảnh hưởng từ nguồn cung hạn chế của TP.HCM. Bên cạnh đó, việc cơ sở hạ tầng ở nhiều quận, huyện của TP.HCM được đầu tư đồng bộ hơn cũng làm bất động sản ở các khu vực này tăng giá theo.