Giá bán kỳ vọng sẽ tăng nhưng với tốc độ tăng trưởng chậm hơn do động thái kiểm soát chặt rủi ro tín dụng vào một số dự án có tiềm ẩn rủi ro và số lượng nguồn cung mới cải thiện hơn so với hai năm đại dịch vừa rồi.
Theo CBRE Việt Nam, sau đại dịch, bất động sản nhà ở vẫn được xem là kênh đầu tư bền vững cho các nhà đầu tư trung và dài hạn tại Tp.HCM. Sau một quý trầm lắng với dưới 900 căn chào bán mới, thị trường chứng kiến nguồn cung mới tăng vọt trong quý 2/2022. Nguồn cung mới bùng nổ với 15.528 căn từ 12 đợt mở bán mới, vượt qua tổng nguồn cung mới của cả năm 2021, nhưng thấp hơn năm 2019 đổ về trước. Trong đó, phân khúc cao cấp tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường, chiếm 93% nguồn cung mới quý này. Phân khúc trung cấp chỉ ghi nhận duy nhất một đợt mở bán mới trong khi phân khúc bình dân gần như tuyệt chủng nguồn cung mới kể từ quý 1/2019.
“Tuy nhiên, căn hộ trung cấp đáp ứng đa số nhu cầu của người mua để ở là sản phẩm phổ biến nhất tại Tp.HCM với thị phần lên đến 41% trong tổng nguồn cung tích lũy toàn thị trường”, đại diện CBRE Việt Nam nhấn mạnh.
Theo đơn vị này, sự nâng cấp giá của các dự án tại khu vực vùng ven không chỉ làm góp phần thay đổi cơ cấu phân khúc sản phẩm trong nguồn cung mới mà còn thúc đẩy tăng trưởng giá sơ cấp. Giá sơ cấp trung bình toàn thị trường đạt 2.455 USD/m2, tăng 2,7% theo quý và 8,6% theo năm. Phân khúc trung cấp được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tăng giá ở khu vực ngoài trung tâm với mức tăng giá 1,9% theo quý và 7,0% theo năm trong khi giá của phân khúc hạng sang và cao cấp giảm từ 0,6 đến 3,8% so với quý 2/2021.
Theo đại diện JLL Việt Nam, giá bán sơ cấp tiếp tục đà tăng trưởng mạnh. Mặt bằng giá tại thị trường sơ cấp tăng 8,4% theo quý và 23,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 3.173 USD/m2 trong quý 2/2022. Giá sơ cấp trung bình tăng mạnh chủ yếu do sự thay đổi trong giỏ hàng sơ cấp, được chiếm lĩnh bởi các dự án mới có giá bán cao trong khi các dự án có giá bán thấp đã được bán hết. Ngoài ra, việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và sự khan hiếm dự án phân khúc Bình dân cũng góp phần vào xu hướng tăng giá.
“Tuy vậy, trong bối cảnh giữ nhịp giá bán tăng, nhiều Chủ đầu tư liên tục triển khai nhiều chương trình thanh toán linh hoạt về hỗ trợ lãi suất hay ân hạn nợ gốc cũng như các khoản chiết khấu hấp dẫn nhằm kích thích dòng tiền đầu tư”, đại diện đơn vị này cho hay.
Cũng theo JLL, nguồn cung mới của thị trường trong nửa cuối năm kỳ vọng được điều chỉnh giảm so với số dự báo đầu năm trong bối cảnh nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép xây dựng các dự án mới. Thị trường tăng trưởng ổn định hơn với dự kiến tổng nguồn cung mới trong năm 2022 đạt khoảng 25.000 căn với hơn 55% lượng mở bán mới chủ yếu tập trung tại Tp. Thủ Đức.
BĐS vẫn là kênh trữ tiền được nhiều nhà đầu tư ưa thích. Tuy vậy, ở một số giai đoạn nào đó, thị trường “khựng” lại thì các chính sách hỗ trợ của CĐT lại bật lên, cũng là cách để kéo thanh khoản dự án, thị trường. Tuy nhiên, vị chuyên gia này khuyến cáo, người mua nên mua nhà khi giá cả phù hợp với thu nhập của mình, nếu thu nhập đảm bảo để mua nhà thì việc mua nhà ở vào thời điểm nào cũng hợp lý. Thời điểm hiện nay nên mua nhà để đáp ứng nhu cầu ở thực đúng theo thu nhập tương ứng, vừa sức với mình, đừng mua vượt quá khả năng của mình, rồi phải đi vay mượn.
Tại báo cáo thị trường BĐS mới đây, chuyên gia DKRA Vietnam cho rằng, thời gian qua, thị trường thứ cấp bị ảnh hưởng mạnh về sức cầu. Ở một số dự án, sức mua giảm rõ nét, thậm chí ở một vài phân khúc có hiện tượng giảm giá trên thị trường thứ cấp. Đây cũng là thị trường khó cạnh tranh lại với thị trường sơ cấp vì chủ đầu tư liên tục linh hoạt các chính sách bán hàng. Giá BĐS sơ cấp vẫn giữ không giảm nhưng bù vào đó, người mua được hưởng nhiều chính sách từ phía chủ đầu tư khi thị trường khó khăn thanh khoản. Vì thế, theo các chuyên gia trong ngành, có hội để mua nhà khi thị trường BĐS chững lại sẽ rộng cửa hơn lúc thị trường ở trạng thái bình thường.
Tổng Hợp