Qua quá trình đất nước kiểm soát dịch hiệu quả, đi đôi với việc bào chế vaccine cũng như đến tháng 2/2021 lô vaccine nhập khẩu đầu tiên sẽ về tới Việt Nam, qua đó chúng ta có niềm tin tiếp tục khống chế được đại dịch giúp cho sự phục hồi nền kinh tế, trong đó tạo cơ hội cho thị trường bất động sản hồi phục mạnh mẽ.
Năm 2020 dù chứng kiến nhiều khó khăn nhưng thay vì xuất hiện các đợt bán tháo, bán ồ ạt tài sản thì dòng tiền chảy vào bất động sản nhằm thu mua, đợi sinh lời cao hơn rất nhiều.
Đưa ra các giải pháp nhằm ổn định thị trường bất động sản và giảm thiểu chi phí nhà ở trung và dài hạn mới đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) kiến nghị cần công khai rộng rãi quy hoạch đô thị, các dự án xây dựng nhà ở; có tiêu chuẩn cụ thể về cấp chất lượng nhà ở và đơn giá xây dựng (khung).
Bãi bỏ cơ chế đấu thầu nhà đầu tư đối với các dự án đất công cho thuê và các dự án có đất công chiếm dưới 50% tổng diện tích của dự án; cho phép các ngân hàng thương mại thu nợ bất động sản là nhà ở theo cơ chế “đồng biến” theo giá cả thị trường bất động sản; bãi bỏ quy định về tăng tài sản đảm bảo khi giá bất động sản giảm.
Báo cáo từ Bộ Xây dựng cũng cho biết từ năm 2016 đến nay có 1.040 dự án xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, bao gồm 507 dự án nhà ở xã hội độc lập và 533 dự án nhà ở xã hội được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị.
Trong đó, đã hoàn thành 248 dự án với quy mô xây dựng khoảng hơn 103.500 căn, tổng diện tích đã hoàn thành hơn 5,1 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 264 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 216.500 căn, với tổng diện tích khoảng 10,8 triệu m2. Như vậy, với tổng diện tích hơn 5,1 triệu m2 nhà ở xã hội đã xây dựng mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu 12,5 triệu m2 nhà ở đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020.
Giá nhà tại các địa phương, khu vực tăng có thể do nguyên nhân khác như điều chỉnh địa giới hành chính, quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng… Song nhìn chung vẫn là do nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn rất cao mà nguồn cung chưa kịp đáp ứng.
Dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng chưa có xu hướng giảm giá trên thị trường nhà ở. Nhiều lo ngại giá nhà sẽ tiếp tục có xu hướng tăng trong năm 2021 khiến ước mơ có nhà của nhiều người lao động càng trở nên khó khăn.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, giá bình quân các loại căn hộ chung cư (bao gồm căn hộ bình dân, trung cấp, cao cấp) tại Hà Nội quý IV/2020 tiếp tục tăng khoảng 2 – 3% so với cùng kỳ; tại TP.HCM tăng khoảng 3 – 4%.
Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2020, các loại căn hộ chung cư đều ghi nhận có sự tăng giá. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng giá ở mỗi loại căn hộ chung cư tương đối khác nhau. Trong đó, các căn hộ bình dân có tỷ lệ tăng giá mạnh hơn nhất, kế tiếp là căn hộ trung cấp.
Về chính sách pháp lý thì hệ thống pháp luật liên quan đến BĐS nhà ở phải được bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm bắt kịp diễn biến và nhu cầu thị trường. Về hạ tầng giao thông cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông sớm đưa vào sử dụng.
Tính minh bạch của thị trường, từ hoạt động đầu tư, tạo lập bất động sản đến hoạt động giao dịch mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê vẫn còn hạn chế. Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản vẫn chưa hoàn chỉnh và bị phân mảnh, do nhiều cơ quan quản lý, vì thế, dễ gây mất niềm tin của người tiêu dùng.
Tình trạng đầu cơ, thổi giá còn diễn ra khá phổ biến, nhiều tổ chức, cá nhân môi giới không được đào tạo, thiếu chuyên nghiệp khiến cho hoạt động của thị trường bất động sản thiếu ổn định.
Nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án bất động sản chưa đa dạng và bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng. Chưa nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thực hiện huy động vốn thông qua chứng khoán, trái phiếu.