Giá nhà ở không những không giảm, mà còn tăng lên.
Hiện tại, một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư có tâm lý giữ tiền mặt để chờ giá bất động sản giảm thêm. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, việc thị trường gặp khó không có nghĩa là giá nhà sẽ giảm mạnh. Bởi vậy, người có ý định mua nhà cần sớm đưa ra quyết định để tránh giá bất động sản tăng cao hơn.
Bởi trên thực tế, sự giảm giá chỉ ghi nhận ở một số phân khúc từng tăng “ảo” và ở loại hình không đáp ứng nhu cầu ở thực. Còn đối với những sản phẩm như căn hộ trung cấp, bình dân và bất động sản có giá trị khai thác thương mại tốt… vẫn có giao dịch nên khả năng hạ giá rất thấp, nhất là trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm như hiện nay.
Giai đoạn 2012-2013, thị trường khủng hoảng do thừa sản phẩm, dẫn đến giá nhà giảm mạnh 20-30%. Còn hiện tại thì hoàn toàn ngược lại, thị trường đang trong tình trạng “đói cung”, trong khi nhu cầu không ngừng tăng, nên thanh khoản dù kém thì giá sơ cấp vẫn khó giảm.
Bên cạnh đó, các yếu tố quyết định giá bán như chi phí vật liệu xây dựng, nhân công, tiền sử dụng đất, thuế phí… đều tăng. Chưa kể, sắp tới đây, Luật Đất đai sửa đổi sẽ đưa giá đất sát giá thị trường, giá nhà cũng phải điều chỉnh theo nên rất khó để chủ đầu tư giảm giá bán.
Nhìn chung, theo giới chuyên môn, sẽ có sự thay đổi trong cơ cấu phát triển sản phẩm bất động sản trong năm 2023. Thay vì tập trung vào những căn hộ cao cấp, giá từ 6-7 tỷ đồng/căn, các chủ đầu tư sẽ điều chỉnh giỏ hàng, ưu tiên phát triển những sản phẩm tầm giá 2-3 tỷ đồng/căn để phục vụ số đông.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư bất động sản Việt An Hòa đánh giá, hiện không phải thời điểm thích hợp để bán bất động sản, nhưng lại là thời điểm tốt để mua vào. Nhà đầu tư có thể xuống tiền nếu có nguồn tài chính nhàn rỗi, không phải đi vay. Mặt khác, có thể đợi thêm chính sách, sự điều tiết của Nhà nước và ra quyết định vào tháng 3 đến tháng 6/2023.
TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu nhà ở tăng cao thì tình hình có thể sẽ sớm được cải thiện.
“Thị trường bất động sản năm 2023 sẽ có những điều chỉnh đến từ chính sách quản lý. Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo để đưa ra các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ ngành bất động sản giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, giúp thị trường có thể phục hồi từ quý III năm nay. Ngân hàng Nhà nước cũng có những chỉ đạo giảm chi phí, thủ tục hành chính… để cung ứng vốn, giải ngân nhanh cho những dự án, doanh nghiệp đủ điều kiện, có khả năng trả nợ. Động thái này tạo động lực cho thị trường hồi phục”, ông Lực chia sẻ thêm.
Với thị trường căn hộ TP.HCM, trường hợp giảm giá chỉ xảy ra đối với người đi vay ngân hàng. Lãi suất tăng, lại khó tiếp cận vốn vay nên buộc nhà đầu tư phải giảm giá để ra hàng.
Thị trường năm 2023 sẽ vẫn trầm lắng, giao dịch ít nhưng giá bất động sản sẽ không giảm, nếu có sẽ chỉ giảm cục bộ ở một số sản phẩm không phục vụ nhu cầu ở thực, hoặc ở nhóm nhà đầu tư kẹt tiền và mức giảm vào khoảng 20%. Bất động sản tại TP.HCM và khu vực gần trung tâm các đô thị lớn sẽ tiếp tục giữ giá.
Trước kia, nhà liền kề và biệt thự được cho là sản phẩm đầu tư đem lại lợi nhuận cao, bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường bất động sản đã chững lại, dòng tiền gặp khó khăn nên việc mua bán qua tay nhanh gần như là không khả thi. Do vậy, dòng sản phẩm này đang khó tìm người mua, dù giảm giá sâu so với đỉnh.
Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của tâm lý “phòng thủ” ngày càng lan rộng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp BĐS trong nước đã tung nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu khủng để “nịnh” khách hàng xuống tiền sớm.
Thực tế cho thấy, việc tăng chiến khấu, ưu đãi chỉ là một trong những giải pháp tình thế. Bàn về giải pháp lâu dài, theo chuyên gia BĐS Trần Minh, để nhanh chóng loại bỏ tâm lý “phòng thủ” của khách hàng, khơi thông thanh khoản, các chủ đầu tư cần nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận thị trường, trong đó có cơ cấu lại sản phẩm hướng tới nhu cầu mua nhà ở thực.
Đồng thời, chia sẻ lợi nhuận với người mua nhà nhiều hơn, và đưa giá nhà về sát giá trị thực.
Hiện nay trên thị trường nhiều nhà đầu tư, người mua ở thực vẫn nơm nớp lo sợ giá BĐS có thể bật tăng trở lại thời điểm sau Tết. Nghĩa là, họ vừa sợ xuống tiền, vừa sợ giá BĐS sẽ tăng nếu như không mua lúc này. Chính sự xáo trộn, giằng co trong tâm lý người mua đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: Khi nào, thị trường BĐS mới thực sự hồi phục? Theo một số chuyên gia, rất khó để đưa ra dự đoán về sự phục hồi của thị trường BĐS lúc này, bởi các chỉ số còn khá u ám.
Và chính sự giằng co trong tâm lý người mua, cùng việc chờ đợi giá giảm thêm cho thấy một điều không ít người mua chạy theo tâm lý đám đông là chính. Thấy giảm giá thì luôn kỳ vọng rằng giá còn giảm thêm nên chờ đợi để mua vào. Tuy nhiên, không ít trong số đó bị mất cơ hội vì sự kỳ vọng này.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán, BizLive, Lao Động)