Năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp thị trường bất động sản chứng kiến tình trạng nguồn cung căn hộ lao dốc. Nguyên nhân là do tác động của việc cấp phép dự án chậm trong một vài năm gần đây và ảnh hưởng nặng nề của đợt phong tỏa phòng dịch giữa năm 2021. Tuy nhiên, trái với dự đoán của nhiều người, giá bán trung bình căn hộ vẫn leo thang. Sang năm 2022, phân khúc này dự báo sẽ tiếp tục tăng giá.
Do quỹ đất nội thành khan hiếm, các dự án mới ở phân khúc trung cấp sẽ tập trung chủ yếu ở khu vực phía Đông và các quận ngoại thành. Còn quỹ đất trung tâm sẽ được ưu tiên phát triển các dự án nhà ở hạng sang và cao cấp. Giá nhà ở dự kiến sẽ duy trì đà tăng trung bình 3 – 7% ở các phân khúc. Với nhà đầu tư cá nhân, nhu cầu vẫn khá cao trên thị trường vào năm 2022 nhưng do giá tăng cao nên sẽ khó khăn cho người có nhu cầu thực ở phân khúc tầm trung. Phân khúc giá từ 2 – 3 tỷ đồng dự báo sẽ tăng giá mạnh.
Đối với nhà đầu tư tổ chức, họ không còn làm dự án theo kiểu quỹ đất nhỏ lẻ, bởi TP HCM cũng đã hết quỹ đất. Sau đợt dịch vừa rồi, mọi chiến lược đầu tư dự án của các chủ đầu tư ít nhiều đều thay đổi. Họ sẽ có chiến lược tìm quỹ đất tại các thành phố vệ tinh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai,…với quy mô vài chục đến vài trăm ha. Đồng thời, ý tưởng về quy hoạch dự án, gắn liền với cơ sở hạ tầng giao thông cũng là những cơ hội cho các doanh nghiệp vào năm 2022.
Theo các chuyên gia Colliers, thị trường bất động sản (BĐS) đã dần hồi phục vào quý IV/2021 và được dự báo tăng trưởng nhanh vào năm 2022.
Tại TP HCM, các dự án hạng sang và cao cấp tại khu vực trung tâm và TP Thủ Đức sẽ là khu vực nổi bật. Bên cạnh đó, thị trường các tỉnh lân cận TP HCM cũng sẽ thu hút các nhà đầu tư cá nhân. Trước đó trong quý IV, nhiều chủ đầu tư đã có dự án mở bán như Vinhomes, Nam Long, Novaland, Hưng Thịnh, Masterise,… hoặc các chủ đầu tư nước ngoài như Capitaland, Keppel Land.
Phần lớn nguồn cung đến từ hai khu vực chính là phía Đông và phía Nam và chủ yếu là hàng tồn kho từ các giai đoạn trước của các dự án. Phân khúc cao cấp chiếm phần lớn nguồn cung sơ cấp với khoảng 60%, trong khi nguồn cung từ phân khúc bình dân vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, phân khúc hạng sang tăng trưởng nhanh chóng không chỉ ở khu vực trung tâm mà còn ở các quận khác, đặc biệt là TP Thủ Đức. Nguồn cung từ các quận ngoại thành TP HCM như Bình Chánh (Dự án West Gate, Uni Park,…), Huyện Nhà Bè (Dự án Celesta Rise, ZeitGeist Nhà Bè, …) hoặc Thủ Đức (với số lượng lớn căn hộ từ Vinhomes Grand Part, Masterise Central Point) cũng tiếp tục được bán sau nhiều tháng cách ly.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng nhận định mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm. Theo thống kê của Bộ Xây dụng đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.
Đặc biệt, tại thời điểm cuối quý I đầu quý II/2021, thị trường chứng kiến hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí sốt giá đất nền ở một số địa phương vùng ven Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số nơi ở Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh ( tăng 20%), Hưng Yên ( tăng 26%). Nhiều nơi như Thanh Hóa, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP HCM; TP Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai,… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, một loạt chính sách đã ban hành từ kiến nghị của năm 2020, 2021 chưa thực hiện được nhưng năm 2022 sẽ có hiệu lực. Hàng loạt vấn đề tồn tại liên quan đến thị trường bất động sản như hoạt động đầu tư, thủ tục pháp lý trong năm 2022 sẽ được gỡ. Điều này sẽ tác động đến thị trường, giúp tăng nguồn cung.
Ông Khởi lấy ví dụ, Luật Đầu tư đã sửa, hay các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng cũng đã sửa. Đến năm 2022, doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ quan tâm đến hiệu lực của các chính sách tác động đến nguồn cung trên thị trường. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thông qua chính sách tài khóa, trong đó có việc dành 65.000 tỷ đồng cho chính sách phát triển nhà ở xã hội.
“Cả nước đang triển khai hơn 200 dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhiều dự án bị thiếu vốn thì tới đây sẽ ra được hàng”, ông Khởi nói. Bên cạnh đó, theo vị này, Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét vào tháng 5/2022,… “Hệ thống chính sách pháp luật về kinh doanh bất động sản trong năm 2022 sẽ có nhiều khởi sắc, tháo gỡ được nhiều dự án và giúp tăng nguồn cung cho thị trường”, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Tổng Hợp