Trong tháng 3/2022, Bộ Xây dựng đã triển khai khảo sát, thu thập thông tin dữ liệu, xác định mức độ biến động giá giao dịch một số loại bất động sản trong tháng và quý 1/2022…
Theo số liệu từ CBRE Việt Nam, với thị trường chung cư, thị trường thứ cấp, giá ở phân khúc trung cấp trở lên đã tăng 7-9%. Mức tăng giá thứ cấp này cao hơn so với mức tăng giá trung bình trong vòng 5 năm trở lại đây. Điều này phản ánh xu hướng tiếp tục tăng giá của bất động sản trong thời kỳ đại dịch.
Với bất động sản nhà ở, giá mở bán mới của một số dự án căn hộ trung cấp nằm trong các khu đô thị xa trung tâm tiếp tục ghi nhận các bước giá tăng cao hơn trước đó, hiện đã tiệm cận với mức giá của phân khúc cao cấp.
Với phân khúc bất động sản gắn liền với đất, giá thứ cấp ghi nhận được trong quý 1/2022 đã cao hơn một năm trước từ 20-30%, đặc biệt ở các quận nằm ngoài trung tâm, và các quận/huyện ở vùng ven Hà Nội.
Tại Tp.HCM, mặt bằng giá BĐS liên tục neo cao khi chào thị trường ở giai đoạn này. Chẳng hạn, căn hộ cao cấp (hạng A) tại huyện Nhà Bè đang nhận booking giữ chỗ với giá bán dự kiến 100 triệu đồng/m2. Mức giá này đẩy căn hộ cao cấp tại huyện vươn lên ngang hàng, thậm chí vượt qua giá chung cư tại quận 7.
Còn tại khu vực quận 2 cũ (TP Thủ Đức), giá bán chính thức ra thị trường của nhà phố dự án Global City cuối quý I, đầu quý 2 đã chạm ngưỡng 400 triệu đồng/m2. Căn nhà phố thương mại diện tích 95 m2 được xây dựng 1 tầng trệt, 4 tầng lầu, với tổng diện tích sàn sử dụng là 360 m2 có giá hơn 38 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, không đồng ý với quan điểm, cứ sốt đất hoặc giá đất tăng nhanh là kêu do môi giới BĐS. Quan điểm này là chưa hoàn toàn đúng. Môi giới là người trung gian giữa bên bán và bên mua. Nếu sốt đất, lực lượng này đóng vai trò tác động một phần chứ không phải hoàn toàn sốt đất là do môi giới.
Theo vị chuyên gia này, cơn sốt đất diễn ra ở các địa phương, cục bộ hay toàn thị trường thời gian qua cần nhìn nhận vai trò của các bên. Đó là vai trò của bên mua (bên cầu). Nhiều nhà đầu tư kì vọng vào lợi nhuận khi đầu tư BĐS, môi giới là lực lượng giúp sức cho họ đạt được kì vọng này.
Bên đi mua, trong đó có nhiều nhà đầu cơ đi trước mong muốn có lợi nhuận, liên tục thúc đẩy sự tăng trưởng về giá bán, khiến mặt bằng giá có thể thay đổi trong thời gian ngắn. Như vậy để thấy, không phải môi giới là lực lượng “khuynh đảo” thị trường, gây nên cơn sốt đất mà còn có sự tham gia của cả bên mua.
Theo DKRAVietnam, việc nguồn cung tại Tp.HCM khan hiếm và mặt bằng giá ngày càng tăng là nguyên nhân khiến một lượng lớn khách hàng đã chuyển sự quan tâm sang thị trường các tỉnh giáp ranh, nơi có nguồn cung đa dạng và mức giá bán còn tương đối thấp. Dự báo, giá nhà tại Tp.HCM nhiều khả năng tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Nhiều nhận định, giá tăng cao là do nhà đầu tư, môi giới “hợp sức” thổi. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, giá nhà đất tăng do nhiều yếu tố cấu thành. Không ai có thể đứng riêng để thổi giá nếu như thị trường không có những yếu tố bất lợi, khiến giá nhà đất khó giảm.
Giá giao dịch bất động sản bình quân toàn thị trường đều ở trong xu hướng tăng. Trong đó, một số loại hình bất động sản tại một số địa phương tăng giá khá cao so với tháng trước.
Tại Hà Nội, căn hộ chung cư tăng 1,53%, nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%, đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. Tại Tp.HCM, căn hộ chung cư tăng 2,48%, nhà ở riêng lẻ tăng 2%, đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 3,6%.
Trước đó, trong tháng 2/2022, giá căn hộ chung cư giữa Hà Nội và TP.HCM bắt đầu có sự phân hoá sau 12 quý “phá đỉnh” liên tiếp.
Tổng Hợp