Khi thời hạn thực hiện dự án đã chuẩn bị kết thúc, những nhà đầu tư nước ngoài muốn “tái kết hôn” với doanh nghiệp Việt để tiếp tục triển khai dự án, nhưng sự lựa chọn đó không phải là con đường dễ dàng.
Tháng 12/1987, Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên được ban hành tại Việt Nam. Sự ra đời của bộ luật này đã tạo ra nền tảng pháp lý cho việc kêu gọi, thu hút và hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài. Luật Đầu tư nước ngoài sau này được gộp chung thành Luật Đầu tư.
Đã hơn 33 năm đi vào thực tiễn, đến thời điểm hiện tại, nhiều dự án đầu tư trong thời kỳ đầu của thập niên cuối 1980, đầu 1990 đã phải đến thời gian gia hạn. Nhưng việc gia hạn thời gian thực hiện dự án đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp liên doanh đang còn nhiều trở ngại.
Liên quan đến vấn đề này, Reatimes đã có trao đổi với luật sư Nguyễn Sơn Tùng (Chủ tịch Công ty Luật TNHH Legal United Law).
Khi liên doanh đến thời điểm kết thúc
PV: Thưa luật sư, thời hạn hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư nước ngoài được quy định như thế nào?
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Luật Đầu tư nước ngoài năm năm 1987 quy định thời hạn hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (luật này dùng thuật ngữ “xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”) là không quá 20 năm và có quy định mở là thời hạn này có thể dài hơn 20 năm.
Luật Đầu tư nước ngoài được sửa đổi, bổ sung và được ban hành mới các năm sau đó đã có quy định cụ thể hơn và quy định theo hướng kéo dài và xác định rõ về thời hạn thực hiện dự án đầu tư.
Cụ thể, Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996 đã có quy định “thời hạn hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thời hạn của hợp đồng hợp tác kinh doanh được ghi trong giấy phép đầu tư đối với từng dự án theo quy định của Chính phủ, nhưng không quá 50 năm. Căn cứ vào quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với từng dự án, nhưng tối đa không quá 70 năm” (Điều 17).
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng.
Quy định chung về thời hạn đầu tư trong các Luật Đầu tư nước ngoài nhiều thời kỳ trước đó là không quá 50 năm và quy định này được giữ nguyên từ năm 1996 cho đến khi Luật Đầu tư 2014 – là luật đầu tư đang được áp dụng hiện hành ra đời.
Luật Đầu tư 2014 đồng thời đã có quy định rõ hơn về thời hạn, theo đó: thời hạn của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm, thời hạn của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm, đối với các địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hay đặc biệt khó khăn hoặc đối với các dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn dài hơn nhưng không quá 70 năm.
Như vậy, nếu xét về mặt thời gian, thời điểm cấp phép đầu tư từ những năm cuối của thập niên 1987 hay đầu 1990, rõ ràng có nhiều dự án đầu tư đến nay là đã hết hay gần hết thời hạn đầu tư theo giấy phép đầu tư đã được cấp thời đó.
PV: Khi các dự án đầu tư đã hết hoặc gần hết hạn, nhà đầu tư nước ngoài muốn gia hạn thêm nhằm triển khai dự án, nhất là đối với mối liên doanh đang tạo ra lợi nhuận. Theo luật sư, nhu cầu “tái kết hôn” của nhà đầu tư nước ngoài liệu có dễ dàng?
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Trong một vài năm trở lại đây, khi thời hạn hoạt động còn lại đang dần trở nên ngắn hơn, một số các nhà đầu tư nước ngoài trong các liên doanh có nhu cầu gia hạn thêm thời hạn thực hiện dự án đầu tư. Xu hướng này gia tăng, nhất là đối với các liên doanh đã và đang “ăn nên làm ra”. Tuy nhiên, thực tế, việc giải quyết nhu cầu này không phải dễ dàng bởi có khá nhiều trở ngại khách quan lẫn chủ quan đan xen.
Về yếu tố thời hạn, cần xét có hai loại thời hạn: là thời hạn hoạt động của doanh nghiệp liên doanh (điều này được ghi trong điều lệ của các doanh nghiệp này và được cơ quan Nhà nước xác định rõ trong giấy chứng nhận hay giấp phép đầu tư) và thời hạn thực hiện của dự án đầu tư. Doanh nghiệp liên doanh khi được thành lập và hoạt động tại Việt Nam phải gắn liền với ít nhất là một dự án đầu tư cụ thể.
Về mặt tâm lý của nhu cầu, rõ ràng khi mà các thời hạn này đã và đang đi dần đến thời điểm kết thúc mà không thể hay chưa thể được gia hạn thành công, đây là nguyên do chính đáng để một số các nhà đầu tư lo lắng.
Trở ngại trong gia hạn hoạt động đầu tư
PV: Luật sư có thể phân tích rõ hơn những trở ngại trong nhu cầu gia hạn liên doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài?
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Vào thời kỳ đầu (những năm cuối thập niên 1980, đầu 1990), đa phần các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phải lựa chọn hình thức đầu tư là thành lập “xí nghiệp liên doanh”. Các xí nghiệp liên doanh này chỉ có hai bên; trong đó, bên Việt Nam hầu như không có bóng dáng của thành phần kinh tế tư nhân (kinh tế ngoài quốc dân) tham gia.
Doanh nghiệp Việt khi tham gia góp vốn, đa phần là góp vốn bằng quyền sử dụng đất (nguồn gốc đất của các dự án này là thuê đất). Trước năm 1996, luật pháp chỉ cho phép các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, xã hội hay doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thì mới được dùng và góp vốn là quyền sử dụng đất để liên doanh với nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp Việt khi tham gia hình thành nên các liên doanh thời kỳ này đa phần là có “yếu tố vốn Nhà nước”.
Hiện tại, với các liên doanh này, khi nhà đầu tư nước ngoài mong muốn gia hạn thêm thời hạn thực hiện dự án gắn liền với gia hạn thời hạn hoạt động của doanh nghiệp thì cần phải thỏa mãn rất nhiều yếu tố có liên quan. Một trong nhân tố khó khăn nhất là yếu tố về đất đai. Đa phần các dự án muốn gia hạn liên doanh thêm thời hạn đều bị vướng bởi yếu tố này.
Gia hạn trong hoạt động đầu tư khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài gặp khó.
Ví như, các cơ quan chủ quản của bên Việt Nam trong liên doanh không đồng thuận về việc tiếp tục cho thuê đất hay tiếp tục đưa quyền sử dụng đất vào sử dụng cho liên doanh, chưa kể là thời hạn cho thuê đất của Nhà nước đối với các chủ thể này không thể được gia hạn. Giả sử, nếu các cơ quan chủ quản này có đồng thuận thì cũng phải thông qua các thủ tục về đấu thầu, đấu giá để có thể được tiếp tục sử dụng đất…
Ngoài ra, xét về mặt thủ tục, nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu gia hạn đa phần rơi vào trường hợp dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Đây là một thủ tục phức tạp hơn nhiều so với thủ tục đăng ký đầu tư. Về mặt luật định, cơ quan đăng ký đầu tư phải thực hiện các thủ tục về quyết định chủ trương đầu tư, phải thông qua chủ trương đầu tư trước khi thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư liên quan đến nội dung thay đổi về thời hạn thực hiện dự án.
PV: Liệu có trở ngại nào đến từ đối tác liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài khi đến giai đoạn “ly hôn” hay tiếp tục “tái kết hôn”?
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Đối với các doanh nghiệp liên doanh, việc gia hạn thêm thời hạn hoạt động của các doanh nghiệp này gắn liền với các dự án. Thế nên, muốn gia hạn phải có sự cùng đồng thuận của tất cả các bên. Trong thực tế, nhiều trường hợp liên doanh, mong muốn gia hạn chỉ phát sinh từ nhu cầu của bên là nhà đầu tư nước ngoài trong khi đó bên Việt Nam không có nhu cầu hay mong muốn gia hạn.
Có nhiều lý do cho việc không mong muốn “tiếp tục ngồi chung mâm” hay là “cùng làm ăn chung” này. Sau hàng chục năm thực hiện liên doanh, các bên có thể phát sinh các bất đồng và mâu thuẫn trong quản trị nội bộ, về phân chia lợi nhuận – rủi ro và các bất đồng khác nên các bên chỉ chờ đến ngày “kết thúc cuộc hôn nhân” để xử lý đoạn kết của việc hợp tác trong êm thấm.
Xét về phía lợi ích của bên Việt Nam, để tiếp tục gia hạn, các tài sản trong hoạt động của liên doanh hầu như đã được khấu hao hết trong khi giá trị quyền sử dụng đất – một yếu tố được tăng lên đáng kể có thể lại tiếp tục được ưu tiên thuộc về phía Việt Nam sau hậu liên doanh.
Chính yếu tố này cũng đặt ra nhiều cơ hội và lựa chọn hơn cho phía Việt Nam trong việc có mong muốn tiếp tục thực hiện gia hạn thêm thời hạn hoạt động hay không.
Các nhà liên doanh nước ngoài đa phần mong muốn nhìn thấy lợi ích từ hoạt động kinh doanh. Điển hình như họ liên doanh tại các dự án khách sạn lớn 4 hay 5 sao, tại các tòa nhà văn phòng hạng A và đang có quyền quản lý và sử dụng các quỹ đất có vị trí rất đắc địa được xếp vào nhóm “đất vàng”, “đất kim cương” tại TP. Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế… Việc gia hạn thêm thời hạn đầu tư, nói thẳng ra là nhu cầu phát sinh từ mong muốn làm sao để có thể được kéo dài thêm được quyền lợi chứ chẳng có nhà đầu tư nào lại có mong muốn kéo dài thêm sự thua lỗ.
PV: Thưa luật sư, vậy khi không đăng ký gia hạn thêm được thời hạn đầu tư, đâu là rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các liên doanh?
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Xét về mặt luật định, không phải mọi dự án hay doanh nghiệp liên doanh, khi nhà đầu tư có nhu cầu gia hạn thì có thể được gia hạn. Việc gia hạn này không phải là chỉ là mong muốn chủ quan của riêng các nhà đầu tư mà đây còn phụ thuộc vào ý chí và quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Luật Đầu tư đã có quy định rõ là “xem xét gia hạn thêm thời hạn thực hiện dự án” chứ không phải là đương nhiên được gia hạn khi có nhu cầu.
Khi không thể gia hạn thêm thời hạn thực hiện dự án – đây không phải là yếu tố phát sinh ra rủi ro vì các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thành lập các liên doanh. Họ đã biết trước, đã dự trù, đã chấp nhận và tự nguyện đăng ký đầu tư từ vài chục năm trước trong việc xác định thời hạn này.
Và cũng theo luật, khi liên doanh không thể được gia hạn thêm thời hạn hoạt động sẽ rơi vào trường hợp bắt buộc chấm dứt hoạt động, theo đó doanh nghiệp liên doanh sẽ phải giải thể và giải quyết các quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp và các bên trong liên doanh theo các quy định của pháp luật về giải thể hoạt động doanh nghiệp.
Giá trị quyền sử dụng đất – một yếu tố được tăng lên đáng kể có thể lại tiếp tục được ưu tiên thuộc về phía Việt Nam sau hậu liên doanh
Giải bài toán gia hạn thời gian đầu tư
PV: Khi nhu cầu gia hạn hiện hữu mà không thể được thực hiện, những phát sinh về tranh chấp trong tương lai nào có thể xảy ra, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Tôi nhận định nếu tranh chấp dạng này xảy ra, sẽ có 2 nhóm trường hợp.
Thứ nhất, khi thời hạn hoạt động gần hết, một bên trong liên doanh có mong muốn gia hạn nhưng bên còn lại không đồng ý. Trường hợp này cần xem lại các điều kiện trong các hợp đồng liên doanh, trong điều lệ của doanh nghiệp liên doanh có quy định hay không và nếu có thì quy định xử lý đối với trường hợp này là như thế nào.
Thứ hai, tất cả các bên trong liên doanh cùng có nhu cầu và mong muốn được gia hạn nhưng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không chấp thuận việc gia hạn. Trường hợp này sẽ là tranh chấp giữa chính doanh nghiệp liên doanh với cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động đầu tư.
Tôi đánh giá, tranh chấp dạng này trong tương lai gần sẽ phát sinh và sẽ là dạng tranh chấp mới mẻ đối với các hoạt động giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tòa án, tổ chức trọng tài.
PV: Đâu là lời giải cho bài toán “ly hôn” hay “tái hôn nhân” trong mối liên doanh giữa doanh nghiệp Việt và nhà đầu tư nước ngoài?
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Phải xem xét đối với từng dự án cụ thể để có thể có câu trả lời chính xác nhất nhưng theo tôi có các nguyên tắc chung sau đây:
Xét trong mối quan hệ với bên liên doanh trong nước, nhất là khi phía Việt Nam đã có nhiều sự lựa chọn hơn so với thời điểm thành lập liên doanh rất nhiều, nhà đầu tư Việt Nam cần đánh giá lại mối quan hệ này và nếu có thể thì nên dành nhiều hơn các quyền lợi cho phía Việt Nam để bên Việt Nam cảm thấy đủ hứng thú để mong muốn tiếp tục “cuộc se duyên” trong liên doanh.
Khi thời hạn hoạt động còn lại của liên doanh không nhiều, nếu các bên cùng có mong muốn tiếp tục thì họ có thể cùng ngồi lại để lại đi tiếp, rồi lại cùng đăng ký gia hạn thêm một thời hạn tối đa mà luật cho phép.
Ngoài ra, họ cũng cần phải khách quan đánh giá khả năng gia hạn có thành công hay không? Nếu gia hạn thành công thì thời hạn gia hạn thêm tối đa là được bao lâu của từng dự án cụ thể trong mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước giải quyết thủ tục này. Ví như, có phát sinh các thay đổi căn bản về bản chất đất đai, nhu cầu sử dụng đất đai trong tương lai hay thay đổi về quy hoạch của Nhà nước có liên quan và ảnh hưởng đến địa điểm thực hiện dự án.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng nên xem việc gia hạn thêm thời hạn thành công hay không là điều bình thường như những cuộc thuận tình ly hôn hay hết thời hạn của hợp đồng hôn nhân đối với những đôi vợ chồng tại chính nước họ.
Cảm ơn chia sẻ của luật sư!
Mai Linh (thực hiện)