Hiện tại, giá đất nhiều khu vực đang có xu hướng giảm, có tình trạng cắt lỗ, giảm sâu của các chủ đất đang chịu áp lực đi vay…
Theo báo cáo thị trường bất động sản 2022 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường địa ốc năm qua khá ngưng trệ, trầm lắng, yếu giao dịch. Nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán mới năm 2021 – thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm).
Đặc biệt, thị trường bất động sản năm 2022 có cơ cấu nguồn cung chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, đầu tư; thiếu vắng các sản phẩm nhà ở phù hợp với túi tiền của số đông người dân.
Về tỷ lệ tiêu thụ, toàn thị trường năm 2022 chỉ đạt khoảng 39%, tương đương với 19.000 giao dịch thành công, bằng 69% lượng tiêu thụ năm 2021 và chỉ bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018. Riêng quý IV/2022, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt mức 14%.
Dữ liệu của VARS cũng cho thấy, giá bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền được điều chỉnh về giá trị thực, gần như nguyên trạng so với thời điểm cuối năm 2021 khi chưa xảy ra cơn “sốt đất”. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở, đặc biệt là căn hộ chung cư không nằm trong xu hướng giảm giá bán. Một phần do nhu cầu ở loại hình nhà ở này luôn hiện hữu và tăng không ngừng cùng quá trình đô thị hóa.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS, thị trường bất động sản năm nay sẽ còn nhiều áp lực do kinh tế Việt Nam vẫn sẽ chịu các tác động từ yếu tố bên ngoài. Song, cơ hội để thị trường phục hồi vẫn có. “Khoảng cuối quý II năm nay, các giao dịch sẽ xuất hiện nhịp nhàng trở lại, nguồn cung ra thị trường nhiều hơn”, ông Đính nhận định.
Mặt khác, số liệu của Batdongsan.com cho rằng, phân khúc nhà riêng và đất nền tại Hà Nội là 2 loại hình BĐS có mức độ quan tâm giảm mạnh.
Ở TPHCM, 2 loại hình này cũng không tăng trưởng, tuy nhiên, riêng chung cư để bán giá vẫn tăng ở phân khúc trung cấp dù mức độ quan tâm đã giảm.
Lãnh đạo Vars cho rằng, thị trường đang có dấu hiệu ảm đạm, song việc cắt lỗ thời gian vừa rồi chỉ xảy ra với các nhà đầu tư ngắn hạn hoặc đối với các sản phẩm đầu tư, không phục vụ nhu cầu thực.
Dự báo, quý I/2023, thị trường BĐS Việt Nam sẽ ít biến động và rất khó xảy ra các tình huống mang tính “đột biến”, lượng giao dịch kỳ vọng tương đương với cùng kỳ năm 2022.
Thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý để đưa nguồn cung mới vào thị trường; xây dựng cơ chế riêng cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà xã hội, nhà ở giá cả phải chăng, phù hợp với người thu nhập thấp và các cơ chế khác một cách thận trọng, nhằm tránh gây ra hiện tượng nước chảy chỗ trũng, bong bóng BĐS, gây bất lợi cho người dân và tạo hệ lụy xấu với nền kinh tế.
Theo định nghĩa, mức giá cân bằng là ở điểm lượng cung bằng lượng cầu. Khi cung lớn hơn cầu, không có người mua, để tạo thanh khoản, chủ sở hữu bất động sản sẽ phải điều chỉnh giá cân bằng tại điểm người mua chấp nhận trả với mức lợi nhuận kỳ vọng hoặc trừ đi khoản lỗ tối đa mà nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể chấp nhận trong trường hợp cần “cắt máu”.
Ông Trần Khánh Quang – chuyên gia bất động sản cho rằng giảm mạnh nhất là đất nền ở vùng ven, những nơi hạ tầng chưa phát triển, chủ sở hữu bất động sản có muốn bán, giảm giá cũng khó ra hàng. Đây cũng là thời điểm tốt để săn đất nền bị “ngộp” với mức giá hợp lý.
Hiện việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là việc được quan tâm. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều chỉ đạo quyết liệt, kịp thời để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản.
VARS cho rằng, thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý để đưa nguồn cung mới vào thị trường; xây dựng cơ chế riêng cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà xã hội, nhà ở giá cả phải chăng, phù hợp với người thu nhập thấp và các cơ chế khác một cách thận trọng. Điều này, theo lãnh đạo VARS, nhằm tránh gây ra hiện tượng “nước chảy chỗ trũng”, bong bóng bất động sản, gây bất lợi cho người dân và tạo hệ lụy xấu với nền kinh tế.
Tổng Hợp
(Dân Trí, VTV, Lao Động)