Thị trường có dấu hiệu bất ổn khi sốt đất khắp nơi, giá các phân khúc bị đẩy cao nhưng giao dịch lại thấp. Thực tế giao dịch thấp, hạn chế bởi giá bị đẩy quá cao. Giá không phản ánh đúng giá trị thực.
Nguồn cung đang rất khan hiếm, nắm được tình trạng này nhiều môi giới, đầu cơ cứ tiếp tục đẩy giá lên. Nhưng nhiều chỗ đẩy quá cao người ta sẽ không mua.
Bán đấu giá thành công là cơ hội tốt nhất cho TP. Hồ Chí Minh thu về số tiền đủ lớn trong thời điểm hậu Covid 19, là cơ hội vàng để Thành phố có ngân sách lớn giải quyết an sinh xã hội và phát triển quỹ nhà cho người thu nhập thấp. Về bản chất ngay tại thời điểm hiện tại, Thủ Thiêm cũng đã là vùng đất không phải là nơi dành chỗ ở cho người có thu nhập thấp, và cũng không nên phát triển bất động sản cho người thu nhập thấp tại đây.
TP.HCM nên dùng tài nguyên ở đây một cách tối ưu nhất và quy hoạch một nơi khác như Bình Chánh, Củ Chi và các vùng ven khác gần khu công nghiệp, mô hình lao động phù họp với người thu nhập thấp.
Quy hoạch một thành phố là một bài toán tầm nhìn cần lên đến 50 năm. Đó là bài toán tính toán các chiến lược phát triển cho hạ tầng. Chúng ta cần phải phân bố hợp lý đâu là vùng tài nguyên giải quyết bài toán kinh tế và đâu là khu vực cung ứng cho các vấn đề về xã hội. Bán đấu giá đất Thủ Thiêm với giá rất cao có thể gọi là “Giá tái thiết xanh hậu Covid” để đầu tư tái cấu trúc đô thị, đầu tư hạ tầng liên kết vùng cho cả Miền Nam, phục vụ an sinh xã hội lâu dài và căn cơ cho Thành phố.
Như vậy, việc bán đấu giá đất để phục vụ cho việc tái thiết xanh của Thành phố hậu Covid như đã nói ở trên, nếu sử dụng đúng mục đích không phải chỉ Thành phố hưởng lợi mà cả khu vực phía Nam và thậm chí cả nước hưởng lợi vì “TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước”. Việc bán đấu giá một số lô đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm vừa qua với kết quả được công bố, theo quan điểm của Viện Kinh Tế Xanh là một thành công to lớn của chính quyền thành phố khi mang lại một nguồn tài chính quan trọng thúc đẩy quá trình tái thiết.
Với dạng tài nguyên khan hiếm như bất động sản, giá phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của mỗi nhà đầu tư. Một nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn 50 năm sẽ đánh giá khác với nhà đầu tư tầm nhìn 10 năm và càng khác với nhà đầu tư có ý định thu lợi ngắn hạn trong 1-2 năm.
Việt Nam đang hấp dẫn vốn đầu tư bằng một sự cạnh tranh “tương đối”. Khi mà hầu hết thị trường Bất động sản các nước châu Á khác đã trở nên đắt đỏ sau hơn một thập kỷ tăng trưởng mạnh (từ sau khủng hoảng tài chính 2009 đến nay), Việt Nam hưởng lợi từ những dòng vốn “tràn ra” từ các nước khác. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là một thị trường sôi động và hấp dẫn nhất cả nước, mà Thủ Thiêm là nơi “đắc địa” nhất, có thể nói là “trái tim” của “ Hòn Ngọc Viễn Đông”, vùng đất hiếm và quý trên bản đồ kinh tế Châu Á và Thế giới.
Do đó, thay vì so sánh giá bất động sản tại Thủ Thiêm với các bất động sản xung quanh, mà đặt trong bức tranh về mạng lưới các bất động sản siêu sang của khu vực, chúng ta sẽ thấy giá bất động sản Thủ Thiêm vẫn còn rất rẻ so với các thị trường xung quanh như Hồng Kông, Singapore hay Thái Lan,… Bất động sản tại Thủ Thiêm nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn còn giữ được một sức bật rất tốt và sức cạnh tranh tương đối trong dài hạn nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì, và bất động sản các nước châu Á khác đã trở nên đắt đỏ khi quá trình tăng giá mạnh đã diễn ra sớm từ hơn một thập niên trước đó.
Hồ Chí Minh vốn đã giữ vị thế “Hòn Ngọc Viễn Đông”, vì vậy để tái lập vị thế này cần có tầm nhìn phát triển dài hạn từ 50 đến 100 năm. Với tầm nhìn dài hạn như vậy, thành phố sẽ đuổi kịp các thành phố lớn khu vực Chấu Á… và sẽ là điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư, tỷ phú hàng đầu thế giới đến tìm kiếm cơ hội đầu tư ngày càng nhiều hơn.
Khi so sánh như vậy, thì mức giá trúng đấu giá vừa qua có thể tăng lên từ 8,5% đến 10% trong một thời gian ngắn, quan điểm của chúng tôi doanh nghiệp trúng đấu giá vẫn có lợi nhuận từ phiên đấu này.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cũng cho rằng sự kiện đấu giá thành công vừa rồi cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế cũng như sức hấp dẫn của thị trường BĐS TP.HCM. Tuy nhiên, sự kiện này cũng đã tác động lớn đến thị trường BĐS, hình thành nên một mặt bằng giá mới. “Sự kiện này có thể dự báo về “nguy cơ” đóng tiền sử dụng đất của các dự án trong khu vực sẽ cao, từ đó giá thành của sản phẩm sẽ cao và giá bán cũng phải cao” – ông Châu nói.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng lo ngại sự kiện này sẽ có tác động dây chuyền và ảnh hưởng đến giá nhà ở của những phân khúc khác. Trong đó có nhà ở thương mại có giá khoảng 25-30 triệu đồng/m2 để đáp ứng nhu cầu ở có thật của đông đảo người dân. Ở góc độ này, ông Châu cho rằng là yếu tố bất lợi đối với người có nhu cầu thật về nhà ở.
Tổng Hợp