Cùng với đó, giá nhà ở, đất nền trên cả nước xu hướng giảm nhưng mặt bằng giá vẫn ở mức cao. Đó là nhận định của Bộ Tài chính tại báo cáo gửi cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá quý I/2023.
Theo đó, tính đến hết năm 2022, cả nước có 91 dự án được hoàn thành với quy mô 18.206 căn hộ nhà ở thương mại. Từ giai đoạn giữa quý 3 đến cuối năm 2022, tình hình giao dịch bất động sản có dấu hiệu khó khăn, lượng giao dịch giảm và kéo dài sang đầu năm nay. Tình hình giao dịch trên thị trường từ đầu năm 2023 đến nay khá ảm đạm, lượng giao dịch ít. Đặc biệt, dự án bất động sản nghỉ dưỡng gần như không có thanh khoản.
“Nguyên nhân bởi nguồn vốn vào thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp bất động sản tiếp tục gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn vay, áp lực từ việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, sức mua thị trường giảm sút, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục diễn biến tiêu cực theo tình hình chung của thế giới”, Bộ Tài chính cho biết.
Theo Bộ Tài chính, thị trường bất động sản quý I/2023 trầm lắng, cùng với trùng Tết Nguyên đán dẫn đến giá bất động sản bình quân cả quý đối với toàn bộ phân khúc và loại hình bất động sản đều có xu hướng giảm. Trong đó, giá bán bình quân căn hộ chung cư chưa giảm nhiều nhưng giá bình quân nhà ở riêng lẻ và đất nền tại các địa phương có xu hướng giảm mạnh hơn (giảm 4-8% so với quý trước). Giá bất động sản cho thuê trong quý I năm nay tại các địa phương giảm nhẹ so với quý IV/2022.
Giá giảm nhiều đối với loại hình nhà ở riêng lẻ, đất nền. Giá nhà ở, đất nền tại khu vực Hà Nội và TPHCM cũng có xu hướng giảm nhưng mức độ giảm thấp hơn ở các địa phương khác, mặt bằng giá hiện vẫn ở mức cao.
Bộ Tài chính dự báo, thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ tiếp tục xu hướng ảm đạm cả về giá, nhu cầu và sức mua của thị trường.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), năm 2022 là năm khắc nghiệt nhất đối với doanh nghiệp bất động sản (BĐS), dù BĐS là ngành quan trọng bậc nhất trong 21 nhóm ngành của nền kinh tế. Trong đó, khó khăn liên quan đến pháp lý chiếm đến 70%.
Nếu năm 2017, thị trường BĐS có 42.991 sản phẩm được tung ra thì đến năm 2022 giảm còn hơn 12.100 sản phẩm. Đáng chú ý, tốc độ giảm quy mô trong lĩnh vực BĐS tăng dần theo từng năm. Nguyên nhân là do những vướng mắc pháp lý dẫn đến thiếu dự án trên thị trường.
Trong khi đó, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc Hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhìn nhận, những khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay là tài chính và pháp lý. Cụ thể, có đến 65% khó khăn về mặt pháp lý và 20% liên quan đến nguồn vốn, kể cả 20% khó khăn liên quan đến dòng vốn cũng bắt nguồn từ pháp lý. Có thể nói, những vướng mắc về pháp lý là nguồn cơn dẫn đến nhiều khó khăn cho thị trường BĐS nói chung và doanh nghiệp BĐS nói riêng.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm 2022, các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với các năm 2021 khiến nguồn cung BĐS, nhà ở đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế.
Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, cả nước có 126 dự án với 55.732 căn hộ được cấp phép (số lượng dự án bằng khoảng 52,7% so với năm 2021); có 466 dự án với 228.029 căn hộ đang được triển khai xây dựng (bằng khoảng 47,7% so với năm 2021); có 91 dự án với 18.206 căn hộ đã hoàn thành xây dựng (bằng khoảng 55,2% so với năm 2021).
Đối với dự án nhà ở xã hội, cả nước có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; có 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng.
Đối với dự án nhà ở công nhân, cả nước có 2 dự án được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; có 01 dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 04 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng.
Còn đối với dự án du lịch, nghỉ dưỡng, cả nước có 12 dự án được cấp phép, số lượng dự án bằng khoảng 23% so với năm 2021; có 30 dự án đã hoàn thành xây dựng.
Về số lượng dự án và căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, cả nước có 252 dự án với 65.909 căn hộ, giảm gần 50.000 căn hộ và bằng khoảng 58% so với năm 2021.
Bên cạnh đó, về giao dịch, cả nước có 785.637 giao dịch BĐS thành công. Trong đó, căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 154.756 giao dịch; đất nền là 630.881 giao dịch; riêng tại TP. Hà Nội có 7.662 giao dịch thành công, TP.HCM có 10.780 giao dịch thành công.
Tựu chung, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ trong các quý trong năm vừa qua không ổn định, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ tăng cao nhất vào quý II sau đó giảm và thấp nhất vào quý IV.
Tổng Hợp
(Tiền Phong, Nhà Đầu Tư)