Theo cơ quan quản lý nhà nước, giá đất chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như nguồn cung, giao dịch, phát triển hạ tầng, trong đó có đấu giá đất.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, giá đất chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như nguồn cung, giao dịch, phát triển hạ tầng, trong đó có đấu giá đất…
Theo ông Khởi, thị trường bất động sản năm 2018, 2019 có đi xuống nhưng năm 2020, một số cơ chế, văn bản pháp luật đã tháo gỡ như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, các nghị định… nên thị trường khởi sắc. Cụ thể, giá giao dịch trên thị trường tăng ở một số trường hợp như căn hộ cao cấp tăng 0,5%; đất nền tăng 3-5%; một số nơi tăng trên 10% trong đó có TP.HCM.
Theo ông Khởi, so với 2 năm trước, giá nhà đất có tăng nhưng đây là xu hướng chung, trong 2 năm 2019-2020 nguồn cung hạn chế, nhiều dự án chưa hoàn thành sản phẩm, chưa bán hàng, trong khi nhu cầu vẫn tăng.
Cho rằng giá nhà đất tăng đang ảnh hưởng tới chiến lược phát triển nhà ở thương mại giá thấp, cơ hội tiếp cận nhà ở của người dân, ông Khởi cho hay, để tăng cơ hội tiếp cận nhà cho người dân, hiện Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu cơ chế phát triển nhà ở thương mại giá thấp để giúp các đối tượng không tiếp cận được nhà ở xã hội có thể tiếp cận. Cơ chế này sẽ được Bộ Xây dựng lồng ghép vào nội dung sửa Luật Nhà ở thời gian tới.
Liên quan đến giải pháp kiểm soát giá nhà đất, ông Khởi cho biết, Bộ Xây dựng đang triển khai hàng loạt giải pháp như kiểm soát chặt về tài chính, tín dụng, đồng thời thúc đẩy tăng nguồn cung nhà ở xã hội và quản chặt việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, công khai các dự án bất động sản. Đồng thời, cũng phải quản lý môi giới để kiểm soát giá bất động sản, không để ‘đẩy’ giá cao.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, đầu tư một thì giá trị sẽ tăng một vì giá trị bất động sản tăng tỷ lệ thuận với đầu tư. Thế nhưng, nếu chỉ đầu tư một mà lại tăng đến 3-4 lần thì là bất hợp lý. Thậm chí, tại một số địa phương còn tăng mạnh hơn thế. Nguyên nhân chính là do quá thiếu nguồn cung, khan hiếm nguồn hàng, đặc biệt nhu cầu đầu tư, nguồn vốn ‘chảy’ vào thị trường bất động sản đang tăng lên làm cho tăng lực cầu đầu tư lên.
Song theo ông Đính, đây chỉ là cầu “ảo” vì nếu cầu thật thì phải phục vụ nhu cầu ở thực, được đưa vào sử dụng, kinh doanh lâu dài bền vững mới là thực chất. Hiện tại có nhiều dòng vốn “chảy” vào bất động sản chỉ mang tính chất đầu tư tài chính để ngày mai bán lấy lời ngay. Nói về giải pháp căn cơ để giải quyết câu chuyện giá không tăng và trở về giá thực chất, không “bong bóng”, không ‘ảo’ nữa, ông Đính cho rằng chúng ta cần tháo gỡ nút thắt về nguồn cung.
“Hiện cả nước có cả ngàn dự án đang “đắp chiếu”, chờ các cơ quan quản lý phê duyệt. Nếu những dự án này được phê duyệt thì sẽ tung ra thị trường một lượng hàng lớn. Khi nguồn cung ra thị trường phong phú, không còn khan hiếm nữa thì không còn lý do để tăng giá. Khi đó, khách hàng có nhiều sự lựa chọn, thị trường sẽ tự điều tiết theo đúng nguyên lý của nó, giá cả sẽ trở lại giá trị thực do thị trường tự đánh giá”, ông Đính nói. Ngoài ra, để giảm thiểu hoạt động đầu cơ và thị trường bất động sản, ông Đính cho hay, cần có chính sách để làm sao nắn chỉnh dòng vốn F0, dòng vốn “ảo” đó để quay trở lại các hoạt động kinh tế, phát triển sản xuất.
Tổng Hợp