Giá bất động sản tại nhiều thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, liên tục tăng, bất chấp các tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Báo cáo thị trường bất động sản quý II của Bộ Xây dựng mới đây chỉ ra rằng, giá căn hộ chung cư bình quân tại Hà Nội và TP HCM đã tăng 5-7% so với quý I. Trong khi giá ở quý I cũng được cho là cao hơn 5-10% so với quý IV năm trước.
Thiếu hụt nguồn cung khi lực cầu trên thị trường vẫn rất cao là nguyên nhân chính đẩy giá chung cư tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, việc thành phố Hà Nội điều chỉnh tăng hệ số đất, dẫn đến tăng tiền sử dụng đất, giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, các cơn sốt đất… cũng là các yếu tố tác động đến giá chung cư nói riêng và giá bất động sản nói chung trong thời gian qua.
Theo Bộ Xây dựng, bất động sản nhà ở riêng lẻ có giá giao dịch trong các dự án tại nhiều địa phương vẫn tăng nhưng không nhiều, bình quân khoảng 3% so với quý trước. Lượng giao dịch loại bất động sản này bằng khoảng 120% so với thời điểm cuối năm 2020. Các tỉnh, thành, như Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những địa phương có mức giá bình quân tăng cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Theo Bộ Xây dựng, hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ đã được kiểm soát sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc cảnh báo. Lượng giao dịch đất nền có xu hướng giảm so với quý 1. Theo Báo cáo thị trường của Bộ Xây dựng, hầu hết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại các thành phố trọng điểm được đầu tư xây dựng để bán, diện tích căn hộ từ 50 – 70 m2 với mức giá bán dao động trên dưới 20 triệu/m2.
Bộ Xây dựng đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ chính sách khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân đô thị. Tuy nhiên mới đây, trả lời cử tri liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết việc xây dựng chính sách này đang gặp cản trở. Cụ thể, chính sách này tập trung vào một số ưu đãi như ưu đãi về đất đai (giảm tiền sử dụng đất, được chậm nộp tiền sử dụng đất), về thuế (giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp); về quy hoạch, bố trí quỹ đất; thủ tục đầu tư xây dựng; cơ chế huy động vốn… để khuyến khích doanh nghiệp tham gia và gửi lấy ý kiến của Bộ Tư pháp.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Tư pháp, các chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp chưa được quy định trong Luật Đất đai (miễn, giảm tiền sử dụng đất), Luật Nhà ở (lựa chọn chủ đầu tư), Luật Thuế (miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp)…Nghị quyết của Chính phủ không phải là hình thức văn bản quy phạm pháp luật nên sẽ khiến các địa phương gặp khó khăn khi thực hiện nếu được Chính phủ ban hành. Vì vậy, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, cho Bộ Xây dựng thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp”. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở có giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình để sửa đổi, bổ sung đồng bộ vào Luật Nhà ở 2014, Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan.
Nhiều người trẻ bỏ lỡ cơ hội mua nhà do ảnh hưởng của dịch bệnh cùng xu hướng tăng giá nhà tại các thành phố lớn. Nguồn cung hạn chế, sốt đất… đẩy giá bất động sản lên cao, vượt xa thu nhập của người lao động. Người dân vẫn trông chờ vào các chính sách của Nhà nước để mua nhà, song một số chính sách đang gặp khó., thị trường phục hồi diện rộng giúp thúc đẩy ngành bất động sản trong nửa cuối 2021 và năm 2022.
Tốc độ triển khai tiêm chủng đang tăng lên nhanh chóng, giúp đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế thế giới trong nửa cuối năm 2021. Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam có nhiều dư địa để tận dụng cơ hội khi sức mua toàn cầu phục hồi. Số liệu kinh tế tích cực của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 là chỉ báo rõ ràng cho sức phục hồi trong một vài năm tới. GDP cả nước dự kiến sẽ tăng trưởng lần lượt 6,5%- 7,4% so với cùng kỳ trong năm 2021-22, nhờ sự mở rộng của ngành sản xuất và sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dịch vụ.
Nhật Hạ