Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thép liên tục tăng “theo phương thẳng đứng”, đạt mức cao kỷ lục tại thị trường trong nước. Giá thép xây dựng hiện giao động từ 17.600 – 18.000 đồng/kg, cao hơn xấp xỉ 48% so với thời điểm cuối quý 3/2020. Giá nhà phụ thuộc nhiều vào nhóm nguyên vật liệu nên có thể tăng nóng đến 20%.
Chu kỳ tăng giá thép sẽ còn tiếp tục cho đến cuối 2021, điều này chắc chắn sẽ tác động lên giá thành sản phẩm bất động sản trong tương lai. Trong dự toán xây dựng của một công trình, chi phí nguyên vật liệu thường chiếm 40-70%, do đó, nếu tính riêng sự thay đổi giá của 5 loại vật liệu chính yếu gồm xi măng, thép xây dựng, đá, cát, gạch thì tổng chi phí xây dựng đã tăng từ 1,2 đến 1,4 lần. Đơn cử, một căn hộ dự kiến được bán ra với mức giá 30 triệu đồng/m2, khi giá thép tăng sẽ kéo mức giá tăng theo lên 35-37 triệu đồng/m2, tương tự, căn hộ giá 50 triệu đồng/m2 sẽ tăng đến 62-63 triệu đồng/m2. Vì lẽ đó, nhiều chuyên gia lo ngại giá nhà sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2021, dự báo, giá thành sản phẩm nhà ở sẽ tăng từ 10-20% là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo tính toán của một số nhà thầu, tỷ trọng chi phí thép xây dựng chiếm từ 12 – 15% trong tổng giá trị công trình. Nếu giá thép biến động 10%, giá công trình tăng thêm 1%… Vì vậy, một số nhà thầu không đánh giá hết các rủi ro tiềm ẩn về biến động giá thép và nguyên vật liệu khác sẽ bị ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận và có thể phải “bù lỗ” nếu tình trạng này vẫn kéo dài.
“Cơn bão” giá thép với mức tăng gần 50% có thể đẩy giá thành các sản phẩm bất động sản lên cao, cơ hội để sở hữu căn hộ ngay trung tâm Hà Nội với giá 2 tỷ đồng ngày càng hạn hẹp.Đa số với những công trình dân dụng thì các nhà thầu đều ký hợp đồng trọn gói nên dù giá thép tăng thì cũng khó điều chỉnh được giá hợp đồng. Vì vậy nhà thầu nào càng có nhiều công trình trong 5 tháng vừa qua mới bắt đầu thực hiện thì phải “cắn răng” và chấp nhận giảm lợi nhuận. Chủ thầu nào có hợp đồng kèm theo điều khoản nếu trượt giá thì sẽ xem xét điều chỉnh lại thì sẽ dễ thở hơn. Nhưng với các dự án có vốn đầu tư nhà nước thì thường thực hiện đấu thầu nên hay theo kiểu trọn gói.
VACC nhận định tình hình giá thép xây dựng nói riêng và các loại vật liệu xây dựng nói chung vẫn đang diễn biến phức tạp gây thiệt hại quá lớn cho các nhà thầu xây dựng, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ thì nhiều nhà thầu sẽ thua lỗ nặng, phải ngừng thi công, thậm chí phải phá sản. Giá thép trong nước đã tăng nóng khiến nhiều người xây nhà gặp khó, nhà thầu rơi vào cảnh đang có lời hóa ra lỗ, doanh nghiệp bất động sản thì đau đầu tính tăng giá nhà.
Nếu tình trạng tăng giá vật tự này không được kiểm soát, thị trường nhà ở sẽ không bao giờ xuất hiện căn hộ 25-30 triệu đồng một m2 vì bị đội giá. Nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cũng buộc phải tính lại mức mới và người có thu nhập trung bình, thấp càng khó mua được nhà vì tiền lương tăng chậm hơn tốc độ tăng giá vật tư. Có nhiều chi phí hình thành nên giá thành của một dự án nhà ở cao tầng, trong đó có chi phí lãi vay trên dưới 10%, chi phí đất cho dự án nhà cao tầng chiếm 15-20%, chi phí xây dựng lớn nhất, chiếm 60%, ngoài ra còn có chi phí không tên đặc thù của ngành địa ốc. Xét riêng chi phí xây dựng cần hiểu khái niệm này bao gồm chi phí vật liệu xây dựng, máy móc thi công, nhân công (bao gồm chi phí quản lý), tư vấn quy hoạch, thiết kế, giám sát. Nhóm vật liệu xây dựng cơ bản gồm sắt, thép, xi măng, cát, đá, gạch chiếm 60% trong tổng chi phí xây dựng. Ngoài ra còn phải kể đến chi phí thiết bị (máy móc) lắp đặt chịu tác động của giá nhiên liệu xăng, dầu và điện.
Nhìn tổng thể tỷ trọng các loại chi phí một dự án nhà ở để thấy rằng giá thép tăng mạnh trong những tháng qua, cộng với giá các vật liệu xây dựng khác cũng tăng cao sẽ tác động lập tức đến giá nhà. Thông thường giá bán căn hộ trên thị trường sẽ được chủ đầu tư điều chỉnh theo biên lợi nhuận kỳ vọng. Khi chi phí tăng lên thì giá thành cũng đội lên để đảm bảo lợi nhuận vì không ai xác định kinh doanh lỗ. Điều này dẫn đến kịch bản các chi phí bị tăng lên, cuối cùng người mua nhà phải gánh.