Mặc dù thị trường có nhiều biến động, nhưng theo Bộ Xây dựng, căn hộ chung cư vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhóm đối tượng có nhu cầu ở thực và các nhà đầu tư trung và dài hạn.
Lượng tìm kiếm và mua bán căn hộ chung cư tăng mạnh kể từ nửa cuối quý I năm nay ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Một số dự án chung cư được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, vị trí thuận tiện và chất lượng có tỷ lệ hấp thụ cao.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, trên thị trường bất động sản, số lượng dự án căn hộ chung cư mở bán mới trong quý I này không nhiều, chủ yếu vẫn đến từ phân khúc trung, cao cấp và tập trung ở một số tỉnh, thành phố lớn.
Đáng chú ý, thị trường cũng ghi nhận sự biến động tăng và giảm giá bình quân của một số dự án ở 2 thành phố lớn.
Cụ thể, tại Hà Nội, một số dự án có mức độ biến động tăng giá trong quý I này khoảng 3,5-4,1%. Tuy nhiên, một số dự án có mức độ biến động giảm giá khoảng 5,3-6,1%.
Còn tại TPHCM, trong quý I này có một số dự án có biến động tăng giá khoảng 3,8-4,0%. Một số dự án lại ghi nhận giảm giá từ 3,8-4,3% trong quý I này.
Cũng về thị trường căn hộ chung cư, báo cáo mới phát hành của Cushman & Wakefield – một công ty nghiên cứu thị trường bất động sản – cho thấy, quý I/2023 tiếp tục chứng kiến sự chững lại của nguồn cung mới tại Hà Nội với hơn 2.000 căn được mở bán, giảm 4% theo quý và giảm 11% theo năm. Trong đó, tất cả dự án mở bán trong quý I này đều đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu. Bên cạnh đó, nguồn cung chủ yếu đến từ quận Nam Từ Liêm và Gia Lâm.
Theo đơn vị công bố báo cáo trên, quý I năm nay, lượng bán mới của Hà Nội giảm xuống còn khoảng 1.400 căn, giảm gần 34% theo quý và 39% theo năm. Nguyên nhân là khách hàng lo ngại về tính thanh khoản của thị trường bất động sản gây nên bởi chính sách thắt chặt tín dụng, các vấn đề pháp lý, vấn đề cấp phép và bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm năm nay.
Ngoài ra trong quý I này, các chủ đầu tư e ngại mở bán các dự án mới do những tác động bất lợi của việc kiểm soát tín dụng và sự lo lắng của khách hàng liên quan đến các vấn đề pháp lý, nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Còn theo báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản quý I năm nay của Colliers Việt Nam, thị trường căn hộ ở TPHCM vẫn khá trầm lắng. Sức mua tiếp tục giảm dù nhiều bên áp dụng mức chiết khấu cao.
Mặt khác, trên thị trường thứ cấp, chủ nhà giảm giá mạnh để nhanh chóng bán hàng khi sắp đến hạn đóng tiền, hết thời gian ưu đãi thanh toán, lãi suất cao gây nên áp lực tài chính. Thậm chí, nhiều khách mua đã thanh lý lại hàng với chủ đầu tư, chấp nhận mức phạt 20-30% giá trị căn hộ do đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng, việc giảm giá sẽ chỉ ghi nhận ở một số phân khúc từng tăng quá ảo và ở loại hình không đáp ứng nhu cầu ở thực. Những phân khúc như căn hộ trung cấp, bình dân vẫn có giá trị khai thác thương mại tốt nên khả năng hạ giá là rất khó, nhất là trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Tổng Hợp
(Dân Trí)