Do cơ cấu sản phẩm đang có sự lệch giữa cung và cầu nên giá căn hộ ở hai thành phố lớn có sự chênh lệch cao cùng với đó đất nên trở nên khan hiếm…
Sản phẩm BĐS của hai thị trường trên phần lớn là căn hộ, chiếm tỉ trọng từ 80 – 90% tổng nguồn cung, trong đó các dòng sản phẩm thuộc phân khúc nhà bình dân rất ít mặc dù phân khúc này đáp ứng được đòi hỏi của đại đa số người lao động trong xã hội. Vì thế có thể thấy, trong khi nhu cầu về nhà bình dân rất lớn nhưng thị trường Hà Nội và TP.HCM lại thiếu nguồn cung nghiêm trọng. Phân khúc căn hộ trung cấp, cao cấp ở hai thị trường nêu trên đang bị đẩy giá rất cao, giá có sự bất thường.
Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng vấn đề đặt ra là khi giá nhà bị đưa lên quá cao thì nó chỉ phù hợp với một số đối tượng nằm ở nhóm siêu giàu và tỉ lệ rất nhỏ tại Việt Nam, còn lại không đáp ứng được đại bộ phận người dân. Và cũng chính vì giá cao nên tỉ lệ hấp thụ của các phân khúc căn hộ ở hai thị trường này không nhiều, mặc dù vẫn có giao dịch nhưng tỉ lệ không đạt được như những kỳ trước. Do thiếu nguồn cung trên thị trường trong bối cảnh nhu cầu đầu tư lớn nên giá căn hộ thuộc dòng bình dân của một số dự án bị đẩy lên, bước vào ngưỡng của căn hộ trung cấp. Ví dụ trước đây người ta chỉ tính bán căn hộ với giá 20 triệu đồng/m2 nhưng bây giờ đã bán trên 30 – 35 triệu đồng/m2. Như vậy giá căn hộ bình dân đã bị đẩy lên thành giá căn hộ trung cấp mặc dù chất lượng là nhà bình dân.
Các dự án nhà ở thấp tầng tại Hà Nội và TP.HCM hiện tại không nhiều vì đây cũng là dòng sản phẩm hàng hiếm và chủ yếu tập trung ở những phân khúc như shophouse, biệt thự. Từ đó dẫn đến hiện tượng khan hiếm sản phẩm và việc tăng giá là điều tất yếu. Đối với đất nền, do Hà Nội, TP.HCM cấm các dự án bán đất nền nên nguồn cung bị hạn chế và hệ quả cũng là giá tăng cao. Điển hình tại Hà Nội, ở một số khu vực ngoại ô, ven đô như Đông Anh hay Gia Lâm mặc dù chưa được đầu tư thành thành phố và vẫn còn mang dáng dấp của nông thôn nhưng giá một số dự án ở đây bị đẩy lên rất cao, đều trên 100 triệu đồng/m2, thậm chí có những dự án lên đến 150 triệu đồng/m2.
Còn theo báo cáo thị trường đất nền của DKRA Việt Nam cho biết, thanh khoản thị trường đất nền TP HCM và 4 tỉnh phụ cận (Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu) diễn ra trầm lắng suốt quý III. Sức cầu chung toàn thị trường ở mức rất thấp do trong các tháng 7, 8, 9, nhiều tỉnh phía Nam siết chặt biện pháp cách ly toàn xã hội. Thanh khoản thị trường thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại) ở mức rất thấp, có xu hướng giảm giá cục bộ ở một dự án và khu vực, mức giảm dao động ở mức 5- 7% so với trước khi dịch bùng phát mạnh hồi tháng 5. Theo khảo sát của đơn vị này, tình trạng đất nền giảm giá 5-7% chỉ xuất hiện cục bộ một vài nơi trên thị trường thứ cấp, chưa diễn ra trên diện rộng nên chưa đại diện cho toàn thị trường. Nguyên nhân giảm giá là một số nhà đầu tư cần xả hàng để giải tỏa áp lực tài chính.
Ba tháng qua, TP HCM và 4 tỉnh phụ cận chỉ ghi nhận 2 dự án mở bán thuộc giai đoạn mở bán tiếp theo, cung cấp ra thị trường 118 sản phẩm, tập trung ở Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu, trong khi TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai không có nền đất chào bán suốt thời gian giãn cách chống Covid-19. Thanh khoản thị trường đất nền lao dốc trong quý III chủ yếu do TP HCM và một số tỉnh phía Nam phong tỏa khiến các giao dịch bị chặn đứng vì khách hàng không thể di chuyển đi xem đất giai đoạn này.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)