Ở kỳ điều chỉnh lần này, ngày 1/1 trùng thời gian nghỉ Tết Dương lịch. Do vậy, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu sẽ được lùi vào ngày làm việc tiếp theo, tức ngày 3/1. Giá các mặt hàng nhiên liệu tăng trong kỳ điều hành đầu tiên của năm 2023…
Tại đợt điều chỉnh này, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định tăng giá xăng E5 RON 92 thêm 330 đồng/lít, lên 21.350 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 350 đồng/lít lên 22.150 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 600 đồng/lít lên 22.760 đồng/lít, dầu mazut tăng 110 đồng/kg lên 13.740 đồng/kg. Giá diesel giữ nguyên ở 22.150 đồng/lít.
Như vậy, giá xăng đã có lần tăng trở lại đầu tiên sau 4 lần giảm liên tiếp. Trước đó, từ 0h ngày 1/1, giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.050 đồng/lít lên 21.020 đồng/lít, còn xăng RON tăng 1.100 đồng/lít lên 21.800 đồng/lít do mức thuế bảo vệ môi trường mới cao hơn số cũ 1.000 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành lần này, liên bộ trích lập quỹ bình ổn giá đối với dầu diesel ở mức 605 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít, đồng thời chi quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92 ở mức 350 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 400 đồng/lít, dầu mazut 100 đồng/kg.
Năm 2022 là năm nhiều biến động của thị trường xăng dầu, có thời điểm giá xăng vượt mốc 30.000 đồng/lít, cũng có lúc xuống dưới 20.000 đồng/lít. Giá nhiên liệu đã trải qua 34 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng, 16 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Giá dầu hôm nay biến động nhẹ sau khi giảm mạnh trong phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ chủ yếu do lo ngại nguồn cung dầu thắt chặt.
Theo kế hoạch, Nga sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch cắt giảm sản lượng từ 5-7% vào đầu năm 2023.
Tại Mỹ, thời tiết khắc nghiệt đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất năng lượng tại khu vực, trong khi nước này cũng có kế hoạch mua dự trữ thêm 3 triệu thùng dầu vào kho dự trữ chiến lược vào đầu tháng 2/2023.
Trong khi nguồn cung dầu đang bị thắt chặt, triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu lại đang khá tích cực trước quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Ở diễn biến khác, OPEC+ được dự đoán sẽ vẫn giữ nguyên mức chính sách giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày như đã áp dụng trong những tháng vừa qua.
Trước đó, đã có nhiều thông tin về việc OPEC+ có thể sẽ tăng sản lượng để ngăn giá tăng cao trong trường hợp xuất khẩu dầu của Nga sụt giảm.
Giá dầu hôm nay có thể được thúc đẩy bởi đồng USD yếu hơn nhờ kỳ vọng Fed sẽ sớm hạ nhiệt lãi suất.
Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, giá dầu ngày 3/1 cũng đang bị kiềm chế bởi lo ngại suy thoái kinh tế và diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 tại Trung Quốc.
Giá dầu biến động mạnh trong năm 2022, tăng mạnh nhờ nguồn cung khan hiếm trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine, sau đó “trượt dốc” do nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới và những lo ngại về suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, khép lại phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022 với mức tăng và đánh dấu hai năm đi lên liên tiếp.
Trong cả năm 2022, giá dầu Brent tăng 10%, sau khi chứng kiến mức tăng 50% trong năm 2021. Dầu WTI tiến gần 7% trong năm 2022, sau khi tăng mạnh 55% trong năm ngoái. Cả hai loại dầu chủ chốt này đều giảm mạnh trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Trong năm 2023, giới đầu tư năng lượng được dự báo sẽ tiếp tục giữ tâm lý thận trọng, cảnh giác với các đợt nâng lãi suất và khả năng suy thoái kinh tế.
Một cuộc thăm dò 30 chuyên gia kinh tế và nhà phân tích dự báo dầu Brent đạt trung bình 89,37 USD/thùng trong năm 2023, giảm 4,6% so với cuộc khảo sát hồi tháng 11/2022. Dầu WTI được dự báo trung bình đạt mức 84,84 USD/thùng trong năm 2023, cũng giảm so với dự báo trước đó.
Dầu giảm trong nửa cuối năm 2022 khi lãi suất của các ngân hàng đồng loạt tăng để chống lạm phát, khiến đồng USD mạnh lên. Điều đó làm cho các hàng hoá định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Dân Việt)