Theo đánh giá của Bộ Xây dựng trong quý I, giá giao dịch bất động sản bình quân toàn thị trường đều trong xu hướng tăng.
Kể từ năm 2014 tới nay, giá bất động sản chưa có dấu hiệu dừng lại mà liên tục gia tăng. Sự chững lại về giá bất động sản chỉ xảy ra cục bộ trong một thời gian ngắn. Điều đáng nói, đó là mức giá bất động sản tăng liên tục, tăng mạnh và nhiều khu vực tăng theo cấp số nhân. Ngay trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, giá bất động sản tiếp tục điệp khúc “tăng giá”.
Theo một số nhà đầu tư có cái nhìn thận trọng về thị trường, giá bất động sản sẽ đến thời điểm chững lại và cắt lỗ trong tương lai gần.
Trong khi đó, giá đất trúng đấu giá ở hầu hết các địa phương đều rất cao. Cộng với lạm phát có thể tăng cao hơn, ngân hàng dự kiến tiếp tục siết chặt tín dụng bất động sản là những nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao trong năm nay. Đáng chú ý, khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, thị trường BĐS năm 2022 sẽ chứng kiến sự mở rộng ra khu vực ven đô, các dự án đã hoàn thiện pháp lý sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của người mua.
Nhìn nhận về vấn đề này, theo TS. Kinh tế Vũ Đình Ánh, về dài hạn, lạm phát và giá đất di chuyển cùng hướng với nhau. Trong 2 năm dịch Ccovid-19 hoành hành, giá BĐS không những giảm như những ngành kinh tế khác, mà còn leo thang, do đó khi lạm phát tăng cao sẽ càng đẩy giá tài sản lên theo hướng bất lợi cho thị trường. Bởi trong thực tế, lạm phát cao từng kéo theo lãi suất tăng khiến thị trường bị đình trệ.
Bên cạnh đó, lạm phát sẽ khiến những nhà đầu tư thứ cấp, có sẵn nguồn tiền nhàn rỗi tranh thủ tìm kiếm kênh trú ẩn tài sản an toàn, và một trong những kênh đó là BĐS. Còn những nhà đầu tư F0 sẽ dùng đòn bẩy tài chính sẽ phải cân nhắc.
Kết quả này được Bộ Xây dựng đưa ra sau khi khảo sát, thu thập dữ liệu biến động giá bán một số loại bất động sản trong tháng 3 và quý I tại 8 địa phương (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà, Bà Rịa – Vũng Tàu).
Theo đó, một số loại hình bất động sản tại các địa phương này trong tháng 3 tăng giá khá cao so với tháng trước. Đơn cử, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư (tăng 1,53%), nhà ở riêng lẻ (2,24%), đất nền cho xây dựng nhà ở (2,85%). Báo cáo mới đây của Savills ghi nhận, kể từ quý III/2021, giá bán sơ cấp của loại hình biệt thự, liền kề, nhà phố liên tục ghi nhận mức giá cao nhất từ trước tới nay.
Báo cáo thị trường quý 1/2022 của nhiều đơn vị cũng chỉ ra xu hướng giá nhà tăng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Ví dụ tại Hà Nội, giá căn hộ bán và cho thuê tăng trung bình 5-8% theo quý. Trên thị trường thứ cấp, giá bán căn hộ tăng 9 -12% so với cùng kỳ 2021. Phân khúc đất nền, đất thổ cư tại Hà Nội có biến động giá tăng trung bình từ 20-25% so với cùng kỳ, nhiều khu vực phía Tây Hà Nội xuất hiện tình trạng tăng giá nóng, lên gần 35-74%.
Tại TP.HCM, mặt bằng giá bán căn hộ tăng 3-4% so với quý trước và gần 10% so với cùng kỳ, giá thuê cũng tăng từ 4-7%. Loại hình đất nền, đất thổ cư rao bán tại TP.HCM giá cũng tăng từ 10 -25%. Với các địa phương thuộc khu vực Đông – Tây Nam Bộ như Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, ghi nhận giá đất thổ cư tăng từ 7-27% so với cùng kỳ 2021.
Đà tăng giá bất động sản được dự báo sẽ còn xuất hiện trong thời gian tới. Theo Bộ Xây dựng, áp lực tăng giá bất động sản đến từ mức giá nguyên vật liệu đầu vào gia tăng như thép, đá, cát…Áp lực khan hiếm nguồn cung sản phẩm cũng sẽ kéo mức giá bất động sản gia tăng. Nhà đầu tư sẽ nhìn vào các công cụ kinh tế vĩ mô để đánh giá thị trường. Khi nhà băng siết tín dụng vào bất động sản thì sau một khoảng thời gian, thị trường sẽ đói vốn. Áp lực trả nợ lãi ngân hàng gia tăng khiến cho nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính buộc phải cắt lỗ. Và lúc này, giá bất động sản sẽ hạ.
Bối cảnh như hiện tại, các ngân hàng đang đồng loạt tăng lãi suất. Thông tin này sẽ không chỉ gây bất lợi cho doanh nghiệp địa ốc mà ngay cả nhà đầu tư gặp khó khăn. Chưa kể trước đó các tín hiệu khó khăn từ thị trường chứng khoán, cùng với việc siết thanh tra dự án, siết thuế chuyển nhượng khiến bất động sản từ từ chững lại và rơi vào thời điểm khó khăn. Khi thị trường gặp khó, giá buộc phải giảm. Hiện tại, giá bất động sản chưa giảm vì kỳ vọng của nhà đầu tư còn lớn, khả năng gồng gánh nợ lãi còn tốt.
Lạm phát cùng với biến động giá vàng, giá xăng dầu khiến người dân tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn. Theo các chuyên gia BĐS, thị trường đang xuất hiện làn sóng các nhà đầu tư chuyên nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh chạy về các tỉnh để tìm cơ hội đầu tư.
Trong bối cảnh các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội khan hiếm quỹ đất phục vụ cho các dự án phát triển nhà ở, dòng vốn đầu tư đã chuyển dịch từ khu vực đô thị lớn sang các khu vực vùng ven các thành phố lớn. Sự phát triển mạnh của hạ tầng cùng xu hướng tăng giá đất ở nhiều địa phương đang khiến nhu cầu mua đất nền làm tài sản trú ẩn vẫn được ưa chuộng trong năm 2022.
Tổng Hợp