Nhiều nguyên nhân khác nhau gây khó khăn cho thị trường ở thời điểm hiện tại, nhưng pháp lý là vấn đề mà toàn thị trường bất động sản đang phải đối mặt. Đây cũng là vấn đề mà các chủ đầu tư không tự chủ động được khiến nguồn cung khan hiếm và giá nhà ở có xu hướng tăng lên rõ nét.
Nếu nguồn cung bất động sản trên thị trường chưa được khơi thông trong thời gian tới, thị trường sẽ chưa thể xuất hiện xu hướng giảm giá nhà, ông Doanh nhấn mạnh.
Một nguyên nhân khác khiến giá bất động sản ngày càng tăng cao theo TS. Đinh Trọng Thịnh là do chi phí bỏ ra để đầu tư dự án ngày càng tăng lên. Đơn cử như quá trình giải phóng mặt bằng chưa được đẩy nhanh, dẫn đến dự án chậm tiến độ, đẩy chi phí tăng cao, gây gánh nặng cho doanh nghiệp.
Ông Thịnh lấy dẫn chứng về việc mua nhà với giá 20 triệu đồng/m2 hiện nay là rất khó. Ngay cả những dự án nhà ở xã hội với mức giá 15 triệu đồng/m2 cũng gần như là không thể, bởi việc xây dựng nhà ở xã hội phải đảm bảo giá rẻ những vẫn đòi hỏi hạ tầng cảnh quan thì mới bán được.
Đây là áp lực lớn với doanh nghiệp. Do đó, rất khó để đưa ra mức giá 15 triệu đồng/m2, nếu Chính phủ không có những ưu đãi lớn cho các chủ đầu tư dự án.
Thực tế cũng cho thấy năm 2020 là năm cán đích của mục tiêu nhà ở quốc gia, trong đó có các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, nhà ở bình dân. Tuy nhiên, có thể thấy, cho đến thời điểm này, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp thực tế đang rất thiếu hụt so với nhu cầu. Trong khi nhiều thống kê cho thấy, giá nhà đã vượt xa so với thu nhập trung bình của người dân.
Dự báo về thị trường bất động sản thời gian tới, ông Thịnh cho rằng, sang năm 2021, thị trường có thể có nhà giá rẻ nhưng vẫn ở vị trí xa so với trung tâm thành phố. Mặt khác, những dự án này cũng có giá trên 1 tỷ đồng/căn hộ, còn dưới 1 tỷ đồng vẫn rất khó tìm.
Để đưa giá bất động sản về gần hơn với mức thu nhập của người dân, vị chuyên gia này cho rằng, phía cơ quan chức năng có những cơ chế thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các chủ đầu tư phát triển dự án bất động sản, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. Có như vậy, thị trường nhà ở mới có mức giá hợp lý nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng, hạ tầng, tiện ích và cảnh quan theo quy hoạch, đáp ứng được mong muốn của người mua nhà.
Tuy nhiên, do hiện giá nhà đã quá cao nên cũng không thể tăng thêm quá nhiều, mức giá có thể đi ngang, hoặc tăng nhẹ so với thực tế thị trường.
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, giá nhà cao nguyên nhân chính xuất phát từ nguồn cung còn hạn chế. Không chỉ riêng năm 2020 mà vài năm trở lại đây, nguồn cung cũng đang có xu hướng chững lại ở một số phân khúc, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nói rằng hiện nay vẫn còn một số quy định pháp luật chưa đảm bảo đầy đủ tính thống nhất, tính hệ thống, tính đồng bộ và tính liên thông. Chính vì vậy, từ tháng 12.2015 – 9.2018, đã có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị ngừng triển khai do “ách tắc” thủ tục đầu tư xây dựng. Không những thế, từ ngày 7.3.2017 đến nay có khoảng 158 mặt bằng hoặc dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc do nhà nước quản lý, đã phải dừng triển khai để thực hiện việc rà soát, kiểm tra về pháp lý. Các vướng mắc pháp lý này đã làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm rất lớn trong các năm qua.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, giá chung cư bình dân ở Hà Nội hiện đang giao động từ 22 – 25 triệu đồng/m2. Quý III/2020, giá căn hộ chung cư Hà Nội tăng khoảng 0,24% so với quý II/2020. Trong đó, đối với phân khúc căn hộ trung cấp, giá tăng khoảng 0,44%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 1,02%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,03% so với quý II/2020.
Còn tại TP. HCM, giá căn hộ chung cư cũng tăng khoảng 0,35% so với quý II/2020. Trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,16%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,85%. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,26% so với quý II/2020.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, cho biết đô thị hóa và phát triển đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong 10 năm qua, đô thị hóa và phát triển đô thị của Việt Nam có bước phát triển nhanh, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và đạt được nhiều mục tiêu đề ra. Không gian và số lượng đô thị được tăng nhanh từ 33,5% năm 2010 lên gần 39% năm 2020. Các đô thị được phân bố đồng đều tạo động lực hạt nhân cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Kinh tế đô thị là một trong ba trụ cột của nền kinh tế, chiếm hơn 7% GDP của cả nước, chiến lược nhà ở quốc gia đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, đô thị hóa và phát triển đô thị còn bộc lộ nhiều hạn chế như nguy cơ mất cân đối về phát triển giữa đô thị và nông thôn, giữa môi trường nhân tạo và môi trường tự nhiên, chênh lệch phát triển và thu nhập giữa các vùng còn khá lớn, hạ tầng quá tải, kết nối chưa đồng bộ… Thực tế đã đặt ra vấn đề về yêu cầu phát triển cao về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đặc biệt là thị trường BĐS và nhà ở, thị trường BĐS có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Thị trường BĐS thời gian qua còn nhiều hạn chế bất cập, gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách chưa kịp sửa đổi kịp thời.