cần có nhiều giải pháp để thúc đẩy các dự án nhà ở giá thấp, giá bình dân để nguồn cung trở lại thị trường, cân bằng giá. Được biết, ở Tp.HCM hiện nay có những căn hộ có chất lượng bình dân nhưng bán giá cao, không phù hợp với thị trường.
Hiện nay, giá thành nhà ở đang tăng rất cao. Nguyên nhân giá nhà tăng vì nhiều yếu tố như cung cầu, pháp lý, vốn, đất đai. Bên cạnh các yếu tố trên, giá nhà tăng còn do yếu tố kỹ thuật như việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn mới, căn hộ xanh, an toàn… Việc tiêu chuẩn cao kéo theo giá thành nhà ở cao, cứ đà tăng như thế này thì thị trường rất khó khăn.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm, trong 5 năm, 10 năm tới thì nhu cầu về nhà ở tăng cao và phân khúc nào cũng có nhu cầu, kể cả cao cấp, bình dân, nhà ở xã hội, nhà công nhân… Nhà ở cho công nhân trong thời gian tới cần được quan tâm vì chúng ta đang đón dòng vốn nước ngoài. Việc đầu tư vào phân khúc nhà ở công nhân thời gian tới sẽ rất sôi động.
Tuy vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cũng rất quan tâm khi sửa đổi nhiều quy định liên quan đến thị trường bất động sản như sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Đất đai, sửa đổi quy định chấp thuận đầu tư hay ban hành Nghị định 148/NĐ-CP… Việc Chính phủ sửa đổi các nghị định là rất quan trọng, bởi nó giải quyết được một loạt vấn đề. Từ việc sửa đổi các quy định, hy vọng vướng mắc, khó khăn các dự án nhà ở được tháo gỡ, thúc đẩy thị trường.
“Còn làm sao để giảm giá nhà xuống thì phải tăng nguồn cung, điều chỉnh chính sách và có cơ chế hỗ trợ các phân khúc. Những cơ chế, chính sách là rất quan trọng vì thị trường BĐS liên quan đến nhiều lĩnh vực. Chính sách thì có, rất hay nhưng thực hiện kém. Nhiều doanh nghiệp cũng trăn trở khi giá quá cao thì dễ dẫn đến khủng hoảng, bong bóng, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp”, ông Hà nhấn mạnh.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, phân khúc nhà ở trung bình được ưa chuộng nhất. Phân khúc này đang hết cung, có nghĩa là được ưa chuộng nhất thì mới hết cung, vì nó phù hợp với đại đa số cầu hiện nay.
“Còn phân khúc nào Chính phủ suốt ngày đau đáu suy nghĩ để phát triển thì đó cũng là phân khúc phù hợp, bởi giá trung bình phù hợp với đại đa số cầu. Về mặt Nhà nước, nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ là phân khúc cần quan tâm, trong đó có cả việc cải tạo nâng cấp chung cư cũ. Đây là chính sách lớn vì nó liên quan đến an sinh xã hội. Chính sách của nhà nước là quan tâm về phân khúc này, nhưng cần điều chỉnh đôi chút về chính sách”, ông Võ nhấn mạnh.
Với hi vọng từ chính sách pháp lý
Vị chuyên gia này chỉ ra nhiều bất cập trong việc phê duyệt dự án, kéo dài thời gian, gây trì trệ cho thị trường BĐS. Nguyên nhân chính vẫn là do pháp luật chồng chéo, khiến các cơ quan Nhà nước lo ngại ký duyệt dự án mới.
“Sự thận trọng quá mức trong việc phê duyệt dự án thời gian qua khiến nguồn cung nhà ở giảm mạnh. Nếu theo đà này thì trong tương lai, gần nhất là 2 – 3 năm nữa, việc giảm cung hàng BĐS có thể nhìn thấy rất rõ. Do đó, các cơ quan Nhà nước vẫn phải quan tâm nhiều hơn để tháo gỡ hệ thống pháp luật nhằm không gây áp lực lớn cho người được giao ký duyệt dự án”, GSTS Võ nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo ông Võ, thị trường BĐS vẫn có nhiều điểm sáng mới. Chẳng hạn, việc Chính phủ đã ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai là đã tháo gỡ được một số vướng mắc trong phê duyệt dự án.
Theo đó, kỳ vọng đến cuối năm 2021 thì hệ thống các điều luật sẽ được đồng bộ. Theo triển vọng như Nghị định 148 vừa ban hành, năm 2021, thị trường sẽ giảm được nhiều trở lực đè nặng lên các hệ thống liên quan. Như vậy, nguồn cung sẽ được bổ sung vào thị trường, các dự án lớn được phê duyệt, thời gian phê duyệt được rút ngắn lại sẽ tạo đà cho thị trường quay trở lại nhịp độ tăng trưởng ổn định hơn.
Nhìn lại thị trường BĐS trong 10 năm vừa qua có thể thấy, vào giai đoạn năm 2011 – 2013, thị trường địa ốc rơi vào “bi kịch” và trầm lắng. Tuy nhiên, từ năm 2013, khi Nghị quyết 02/NQ-CP về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS có hiệu lực, đã kích thích thị trường BĐS. Nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ được hình thành phát triển, còn thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tạo được thế phát triển rất mạnh sau năm 2013. Thị trường nhà ở ở tất cả các phân khúc phát triển tốt.
Bộ Xây dựng cho hay, giai đoạn 2016 – 2020 đã không xuất hiện các hiện tượng cực đoan như phát triển nóng hoặc trầm lắng, đóng băng, chỉ xuất hiện tình trạng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời.
Đặc biệt năm 2020, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thị trường bất động sản chưa ở trạng thái “trầm lắng”, “đóng băng” toàn diện mà chỉ giảm phát ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê. Đến cuối năm 2020 đã có dấu hiệu phục hồi, phát triển ở một số phân khúc như bất động sản công nghiệp, nhà ở giá thấp.
Tuy nhiên Bộ Xây dựng cũng chỉ ra một loạt bất cập như cơ cấu hàng hóa bất động sản đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa hợp lý, có biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.
“Một số doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân còn hạn chế về thu nhập, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế” – Bộ Xây dựng cho biết.