Giá bán trung bình nhà liền thổ tại TP.HCM giảm nhẹ 3% so với quý trước. Tình hình kinh tế trên toàn cầu dẫn đến tình trạng thị trường nhà ở ảm đạm và khối lượng giao dịch giảm sâu trong quý I/2023.
Theo Cushman & Wakefield, quý I/2023, thị trường TP.HCM có hơn 1.647 căn hộ được mở bán mới từ cả dự án hiện hữu và dự án sơ cấp mới, tăng khoảng 49% so với nguồn cung mới trong quý IV/2022, nhưng giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Một số dự án tiêu biểu mở bán trong quý bao gồm Metropole Thủ Thiêm của Sơn Kim Land, De La Sol của CapitaLand, Elysian Lò Lu của Gamuda Land và Avatar 9x của Hưng Thịnh Land.
Trong quý I/2023, thanh khoản đạt khoảng 1.301 căn, tăng 32% so với quý trước. Cushman & Wakefield cho rằng, việc áp dụng khung pháp lý mới và tình hình phát hành trái phiếu hiện nay vẫn có tác động đến thị trường bất động sản. Hơn nữa, lực cầu đang cho thấy sự chần chừ của bên mua trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Đối tượng mua ở giai đoạn này chủ yếu là người mua để ở thực và đầu tư dài hạn chứ không còn là nhà đầu tư ngắn hạn dưới sự hỗ trợ của đòn bẩy tài chính như trước đây.
Giá căn hộ sơ cấp trung bình quý I/2023 giảm nhẹ 2,9% so với quý IV/2022, đạt khoảng 3.250 USD/m2. Sự sụt giảm giá này chủ yếu do các đợt mở bán mới đến từ dự án trung cấp đến cao cấp, trong khi rổ hàng của quý IV/2022 chứng kiến nhiều đợt mở bán hơn từ các dự án cao cấp (3.000 – 4.500 USD/m2) và siêu sang (>10.000 USD/m2).
Với phân khúc nhà liền thổ, quý I/2023 chứng kiến sự sụt giảm nguồn cung mới tại TP.HCM với chỉ 56 căn mở bán mới từ các dự án hiện hữu, trong đó dự án sơ cấp điển hình trong quý là Classia Khang Điền của chủ đầu tư Khang Điền.
Cushman & Wakefield cho rằng, tình hình kinh tế ảm đạm và cũng như những khó khăn trong việc hoàn thiện pháp lý của địa phương ảnh hưởng đến tốc độ phát triển dự án của các chủ đầu tư. Xu hướng này cũng ảnh hưởng đến nguồn cung trong tương lai vì các chủ đầu tư có khả năng trì hoãn đợt tung hàng trong tương lai; với kỳ vọng thị trường phục hồi trong thời gian tới.
Giá bán trung bình nhà liền thổ tại TP.HCM giảm nhẹ 3% so với quý trước. Tình hình kinh tế trên toàn cầu dẫn đến tình trạng thị trường nhà ở ảm đạm và khối lượng giao dịch giảm sâu trong quý I/2023.
Giao dịch chủ yếu diễn ra tại các dự án có vị trí tốt, pháp lý đầy đủ và hạ tầng cũng như sản phẩm đã hoàn thiện. Hiện tại, nhu cầu chủ yếu đến từ người mua để ở và các nhà đầu tư dài hạn.
Cushman & Wakefield ước tính nguồn cung nhà liền thổ từ năm 2023 trở đi sẽ đạt khoảng 6.900 căn, trong đó một vài dự án nổi bật bao gồm Senturia South Saigon của Tiến Phước và Soho Residence từ Masterise Homes.
Tín hiệu hạ nhiệt và cắt lỗ đã xuất hiện trên thị trường bất động sản kể từ năm 2022. Đến nay, làn sóng này diễn ra trên quy mô diện rộng, đặc biệt đối với loại hình đất nền, đất thổ cư. Ngay cả ở các phân khúc như căn hộ, biệt thự, nhà phố, tín hiệu giảm giá cũng đã được ghi nhận.
Theo thống kê của Colliers Việt Nam, trên thị trường thứ cấp căn hộ ở TPHCM, chủ nhà giảm giá mạnh để nhanh chóng bán hàng khi sắp đến hạn đóng tiền, hết thời gian ưu đãi thanh toán, lãi suất cao gây nên áp lực tài chính. Thậm chí, nhiều khách mua đã thanh lý lại hàng với chủ đầu tư, chấp nhận mức phạt 20 – 30% giá trị căn hộ do đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng ghi nhận, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt có sử dụng chương trình ưu đãi lãi suất, ân hạn nợ gốc giai đoạn 2018 – 2022 của các chủ đầu tư buộc phải cắt lỗ 10 – 30%, thậm chí lên đến 30 – 50% giá trị đầu tư.
Đơn vị này còn ghi nhận, không ít người thế chấp bất động sản để vay tiền ngân hàng không có khả năng nộp bổ sung tiền, tài sản bị ngân hàng phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, càng tạo áp lực về thanh khoản cho thị trường.
Tổng Hợp
(Đầu Tư Chứng Khoán, NSTT)