Dù chưa có báo cáo quý cuối năm, các chuyên gia nhận định khó có mức giảm giá trong quý này. Vì thông thường thời điểm cuối năm, nhu cầu sở hữu căn hộ tăng cao. Chưa kể thị trường lại bị nén trong quý III dưới tác động dịch bệnh nên nhu cầu có thể bung mạnh mẽ.
Nhà ở bình dân luôn là vấn đề nan giải tại các thành phố lớn, điển hình trong đó là TPHCM. Kể từ đầu năm 2019, căn hộ bình dân đã biến mất hoàn toàn trên thị trường này. Theo lãnh đạo HoREA, khan cung đã khiến thị trường xuất hiện các tác động tiêu cực như chủ đầu tư có sản phẩm nhà ở, nhất là chủ đầu tư dự án lớn có lợi thế, có thể độc chiếm thị trường, làm giá, đẩy giá nhà lên cao để nhằm tối đa hóa lợi nhuận, dẫn đến tình trạng giá nhà tăng liên tục trong hơn 5 năm qua kể cả trong giai đoạn dịch Covid-19.
Thứ hai do thiếu nguồn cung nên các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền đẩy giá lên thành nhà trung, cao cấp. Trong 2 năm 2020-2021 hầu như không còn loại nhà ở giá bình dân dưới 25 triệu đồng/m2 trên thị trường, làm cho giấc mơ tạo lập nhà của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị càng xa vời, HoREA nhấn mạnh.
Giá căn hộ TPHCM leo lên qua từng thời gian. Theo thống kê của JLL, giá bán sơ cấp căn hộ trung bình quý I tại TPHCM đạt 2.468 USD/m2 (56,7 triệu đồng). Sang tới quý III, con số này là 2.683 USD/m2 (tương đương hơn 61 triệu đồng. Cũng trong năm 2021, các căn hộ trên đất vàng quận 1, phố nhà giàu quận 2, hay tận Thủ Đức đều xuất hiện vùng giá đỉnh 100 – 600 triệu đồng hoặc cao hơn nữa mỗi m2.
Cách đây 2 năm, thị trường nhà ở TPHCM từng xuất hiện một dự án căn hộ gắn mác siêu sang cũng nằm ven sông ngay quận 1 được chào bán 168-280 triệu đồng mỗi m2, được xem là cao nhất lịch sử tính đến thời điểm đó. Đến thời điểm này, con số này đã bị “xô đổ”. Theo nhận định của lãnh đạo Hội môi giới bất động sản, giá bán căn hộ tại TPHCM biến động rất mạnh, khoảng giãn lớn nên rất khó xác định mức giá bình quân. Nhà ở bình dân cũng mất hẳn trên thị trường thành phố.
Giá bán biến động mạnh nhất theo Hội môi giới phải kể tới ở khu vực TP Thủ Đức. Cụ thể, nếu so với năm 2019 thì giá bán căn hộ tại một số vùng thuộc TP Thủ Đức đã bị đẩy lên khoảng gần 2 lần (năm 2019 cao nhất khoảng 35 triệu đồng/m2, hiện nay thấp nhất 40 triệu đồng/m2 và đạt trung bình khoảng 60 triệu đồng/m2). Cũng theo đơn vị này, giá bình quân của số căn hộ cao cấp được chào bán trong quý II năm nay là con số kỷ lục từ trước đến nay ở TPHCM và cả Việt Nam (khoảng 228 triệu đồng/m2). Điển hình là hàng nghìn căn hộ tại dự án ở quận 1 có giá từ 366 – 500 triệu đồng/m2.
Từ khi chính thức được thành lập từ ngày 01/0/1/2021 đến nay, thành phố Thủ Đức đã và đang giữ vị trí rất quan trọng trong các hoạt động phát triển kinh tế tài chính- khoa học công nghệ của TPHCM, trong đó có mảng bất động sản. Theo Savills, trên thực tế, với quyết định thành lập TP Thủ Đức, thời điểm trước và sau quyết định các giao dịch bất động sản ở khu vực rất sôi động, có chiều gia tăng về cả số lượng và giá cả. Đây là tín hiệu phổ biến thường gặp ở các đô thị, thành phố, thị trấn khi được nâng cấp, kéo theo sức hút và mức độ quan tâm về thị trường bất động sản.
Mặc dù đến thời điểm này vẫn chưa có báo cáo quý cuối năm song khả năng về con số để thấy sự hạ nhiệt giá nhà ở TPHCM gần như không có. Cũng trong thời điểm cuối năm nay, thị trường chứng kiến sức nóng vô cùng lớn ở thị trường bất động sản TPHCM với màn đấu giá kịch tính, vô tiền khoáng hậu của “đại gia” Tân Hoàng Minh để giành miếng đất Thủ Thiêm. Không chỉ ông chủ Tân Hoàng Minh bạo tay trả 2,44 tỷ đồng cho 1 m2 đất Thủ Thiêm, nhưng những doanh nghiệp trúng đấu giá 3 khu đất còn lại cũng không phải những tay vừa. Theo tính toán, nếu tính cả chi phí xây dựng, phát triển dự án, lãi vay… thì giá thành căn hộ đầu ra cả 4 lô đất trúng đấu giá này đều có thể lên tới 450-500 triệu đồng/m2.
Sang năm 2022, chuyên gia của CBRE dự báo giá căn hộ sơ cấp vẫn tiếp tục đà tăng trong tương lai. Lý giải về dự báo này, chuyên gia cho biết áp lực tăng giá đến từ việc tăng chi phí đất, chi phí xây dựng leo thang, nhiều sản phẩm mới ở phân khúc cao cấp, lượng cầu ổn định trong khi nguồn cung hạn chế.