Doanh nghiệp bất động sản trút được ‘gánh lo’ từ Thông tư 06. Trước đó, rất nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp đã bày tỏ rằng một số quy định cấm cho vay tại Thông tư 06 là chưa hợp lý và chưa thống nhất với luật hiện hành.
Bởi vậy, theo Thông tư 10 ngưng hiệu lực thi hành một số quy định trong Thông tư 06 từ ngày 1/9 tới đây thì một số trường hợp không được các ngân hàng cho vay đã được gỡ bỏ.
Từ thời điểm được ban hành (28/6), những câu chuyện về Thông tư số 06 (Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng) luôn trở thành chủ đề được quan tâm nhất trên thị trường bất động sản.
Bởi vậy, sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và động thái điều chỉnh nhanh, kịp thời của Ngân hàng Nhà nước được các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và bày tỏ tin tưởng, kỳ vọng vào sự đồng hành của các cấp ngành trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Việc ngưng thi hành một số nội dung của Thông tư 06 được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt cho thị trường bất động sản.
Theo đó, với sự điều chỉnh này của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng vẫn được phép cho vay với nhu cầu thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa giao dịch trên UPCoM.
Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Quy định “không được cho vay để bù đắp tài chính trừ khi đáp ứng một số điều kiện” cũng được loại bỏ.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh nhận xét, việc Ngân hàng Nhà nước tạm hoãn thi hành khoản 8, 9, 10 trong Điều 8 Thông tư 39, được sửa đổi bởi Thông tư 06, gần chục ngày trước khi Thông tư có hiệu lực là động thái rất kịp thời.
Khoản 8, quy định cấm cho vay để góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng vốn góp, cổ phần…, bản chất là hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A), nếu giữ nguyên thì chỉ có khoảng 78 trong tổng số 40.000 doanh nghiệp bất động sản hiện nay tiếp cận được tín dụng để triển khai hoạt động này.
Bởi vậy, việc dừng thực hiện khoản 8 Điều 8 này sẽ tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn vốn của các nhà đầu tư vay vốn tín dụng. Còn các nhà đầu tư khi vay vốn tín dụng thì phải đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định pháp luật về tín dụng. Như vậy, sẽ tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân, ông Châu phân tích.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản phải đối diện với quá nhiều khó khăn; trong đó có sự trì trệ về thủ tục pháp lý làm cho nguồn cung đưa ra thị trường khan hiếm, giá tăng khiến người mua thiệt thòi.
Một số doanh nghiệp bất động sản cũng chia sẻ, khi vay vốn, các ngân hàng luôn yêu cầu tài sản thế chấp an toàn, tránh rủi ro. Bản thân doanh nghiệp cũng mong dự án đủ pháp lý, đủ điều kiện được vay vốn để nhanh chóng thực hiện đưa được sản phẩm ra thị trường. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước hoãn thi hành một số điểm trong Thông tư 06 là tích cực cho doanh nghiệp và cả thị trường bất động sản.
Tổng Hợp
(Báo Tin Tức)