Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào cuối tháng 9, có gần 94% doanh nghiệp cho biết COVID-19 đã tác động “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực” đến sản xuất kinh doanh của họ.
COVID-19 tiếp tục làm ngành vận chuyển hành khách thấm đòn, trong đó, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun – Mã: VNS) tiếp tục lỗ nặng với khoản lỗ 91 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, Vinasun đã lỗ ròng hơn 188 tỷ đồng, cao hơn hai lần con số lỗ đề ra cả năm.
Bên cạnh đó, dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh cũng bị tổn thương nghiêm trọng khi TP HCM ra quyết định dừng hoạt động để kiểm soát dịch bệnh, CTCP Bến xe Miền Tây (Mã: WCS) lần đầu báo lỗ hơn 7,3 tỷ. Doanh thu của công ty lần đầu đạt dưới 1 tỷ đồng.
Còn với ngành dầu khí, CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating – Mã: PVB) phải thực hiện giãn cách xã hội, vì vậy một số dự án không được triển khai theo kế hoạch dẫn tới doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh. Quý III PVB ghi nhận lỗ ròng hơn 5,4 tỷ, xấp xỉ với mức lỗ quý III năm ngoái. Đây là quý thứ 5 PVB báo lỗ. Cả 9 tháng, PV Coating đã lỗ ròng gần 21 tỷ đồng, vượt con số lỗ đề ra từ đầu năm.
Ngành dệt may với đặc thù thâm dụng lao động cũng không nằm ngoài cảnh khó khăn. CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Mã: TCM) phải làm việc giãn cách nên năng suất không đạt kế hoạch. Đồng thời, chi phí hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ” cao, chi phí xét nghiệm cho công nhân 2 lần/tuần,… dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao và thua lỗ. Trung bình một doanh nghiệp khoảng 1.000 lao động tiêu tốn 2,2 tỷ đồng/tuần. Do đó, quý vừa qua Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu giảm 20% xuống 33 triệu USD (751 tỷ đồng). Doanh nghiệp này báo lỗ 213.000 USD (4,8 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ năm trước lãi khoảng 85,5 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp lớn của ngành bán lẻ là CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) đã lỗ trong tất cả các tháng quý III khi phải đóng tới 80% số cửa hàng vì giãn cách. Tính chung quý III, PNJ lỗ sau thuế 158 tỷ đồng. Doanh thu chủ yếu của công ty phụ thuộc vào mảng online. Lũy kế 9 tháng, PNJ mới thực hiện gần 47% kế hoạch lợi nhuận năm.
Được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhờ tiêu thụ và giá thép lên cao, song một doanh nghiệp trong ngành là CTCP Thép Thủ Đức – VNSteel (Mã: TDS) lại báo lỗ 644 triệu đồng trong quý III do tình hình tiêu thụ rất chậm, giảm hơn nửa sản lượng tiêu thụ hàng tháng. Trong khi đó chi phí nguyên liệu lại tăng cao. Nhờ kết quả kinh doanh khả quan nửa đầu năm, nên sau 9 tháng, Thép Thủ Đức vẫn vượt 191% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm.
Cũng trong mảng vật liệu xây dựng và được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ đầu tư công, nhưng giãn cách xã hội đã khiến việc tiêu thụ xi măng của CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (Mã: HT1) – doanh nghiệp nắm phần lớn thị phần ở phía Nam giảm 55%. Do đó, Hà Tiên 1 lần đầu báo lỗ gần 20 tỷ đồng trong quý. Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết đại dịch COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh quý III của VICEM và các đơn vị thành viên. Tiêu thụ xi măng trong nước của toàn xã hội trong quý III chỉ đạt gần 12 triệu tấn, giảm khoảng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó VICEM đạt gần 4 triệu tấn giảm khoảng 21% so với cùng kỳ và bằng 71,5% so với kế hoạch. Riêng Hà Tiên 1 và VICEM Hạ Long, nơi thị trường tiêu thụ nằm trong địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam.
VICEM tiết lộ các công ty sản xuất xi măng thành viên lỗ 79,6 tỷ, giảm gần 391 tỷ đồng so cùng kỳ. Ngoài yếu tố dịch bệnh trong nước tác động thì việc xuất khẩu xi măng của toàn VICEM cũng giảm do thị trường xuất khẩu chính là Philippines,Trung Quốc gặp khó khăn khi đang là mùa mưa bão và tình trạng bùng phát dịch bệnh ở Philippines cộng với cước tàu biển tăng cao và rất khó thuê được tàu.
Dịch COVID-19 cũng khiến sản lượng điện sản xuất trong quý III của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) giảm 421 triệu kWh so với cùng kỳ. Chưa kể suất tiêu hao nhiên liệu tăng đẩy chi phí nhiên liệu tiêu hao lên cao. Nhiệt điện Phả Lại cũng lần đầu phải báo lỗ 35 tỷ đồng sau 5 năm, trong khi cùng kỳ lãi 90 tỷ.
Làn sóng dịch COVID-14 khiến nhiều tỉnh thành phía Nam đặc biệt là TP HCM và Hà Nội phải giãn cách xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Doanh thu lao dốc, các chi phí gia tăng đặc biệt là chi phí “ba tại chỗ” khiến nhiều công ty báo lợi nhuận trượt dốc thậm chí thua lỗ trong quý III khi các biện pháp giãn cách xã hội bị siết chặt làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)