Gần 1 tỷ người trên thế giới đang phải đối mặt với khả năng mất nhà hoặc đất trong vòng 5 năm tới, đặc biệt là các chủ sở hữu nhà và đất ở Burkina Faso và Philippines.
Ảnh minh họa.
Theo chỉ số quyền sở hữu toàn cầu Prindex (do công ty tư vấn chiến lược Global Land Alliance của Mỹ và Viện Phát triển Hải ngoại Anh cùng phối hợp nghiên cứu), có tới 19% số người tham gia khảo sát lo ngại rằng nhà ở hoặc đất đai của họ có khả năng sẽ bị lấy đi trong tương lai gần, theo đó cản trở khả năng đầu tư hoặc lên kế hoạch cho tương lai.
“Mất an ninh đất đai và nhà ở là một vấn đề lớn. Việc bảo đảm quyền sở hữu rất quan trọng đối với việc ra quyết định cá nhân và có tác dụng kích thích mọi người làm điều gì đó với tài sản của họ, như việc họ cho con đi học trường nào hay đầu tư vào cây trồng ra sao”, ông Malcolm Childress, Giám đốc điều hành của Global Land Alliance nói Quỹ Thomson Reuters.
Viện Tự do và Dân chủ có trụ sở tại Lima đã cho rằng việc thiếu tài liệu chính thức và việc thực thi luật đất đai kém đang đe dọa đến quyền sở hữu đất và nhà ở tại nhiều quốc gia, với hơn 5 tỷ người hiện thiếu giấy tờ chứng thực về quyền sở hữu hợp pháp của mình.
Hiện tại, Philippines và Burkina Faso là 2 quốc gia có số người tham gia khảo sát lo sợ rằng nhà của họ có thể bị lấy đi cao nhất, với lần lượt kết quả là 48% và 44%.
Trong khi đó, Singapore và Rwanda là những nơi có tỷ lệ quan tâm thấp nhất với tỷ lệ tương ứng là 4% và 8%.
Bà Karol Boudreaux, Giám đốc chương trình quyền đất đai của tổ chức từ thiện Landesa cho biết trong một email: “Không có gì đáng ngạc nhiên, do tình trạng bất ổn ở cả Burkina và Philippines đang ngày một khiến cho người dân ở đây thêm lo lắng. Xung đột bạo lực khiến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn trong khi những người còn trụ lại sẽ tận dụng cơ hội này để chiếm đoạt tài sản”.
Cuộc khảo sát, được thực hiện bởi công ty Gallup của Mỹ, là nỗ lực lớn nhất từ trước đến nay để xác định việc người dân trên toàn cầu cảm nhận ra sao về mức độ an toàn đối với nhà cửa và đất đai của họ.
Mặc dù việc thu thập dữ liệu đã được hoàn thành trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, song tình trạng mất an ninh nhà ở có thể gia tăng hơn nữa do việc nới lỏng các lệnh phong tỏa ở các thành phố có thể dẫn đến sự gia tăng của các vụ trục xuất.
“Chúng tôi đã ghi nhận rất nhiều sự bất ổn tâm lý trên toàn cầu và đại dịch đã gây ra một cú sốc lớn lên điều đó. Tại thời điểm hiện tại, Mỹ cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trục xuất lớn”, ông Malcolm Childress nói.
Cải thiện an ninh đất đai và nhà ở sẽ cần tới các chiến dịch đào tạo và nâng cao nhận thức cho mọi người nhằm đảm bảo họ có thể thực hiện được đầy đủ các quyền lợi và bảo vệ quyền sở hữu tài sản, qua đó tránh việc bị trục xuất.
Các nhà chức trách ở Colombia và Nepal đang sử dụng các bằng chứng kỹ thuật số như ảnh để xử lý các khiếu nại về tài sản trong bối cảnh hơn 70 triệu người tại nơi đây đã bị buộc phải rời khỏi nhà do chiến tranh, thiên tai và các sự kiện khác.
(Theo Jakarta Post)