Theo thông tin, mới đây Chi cục Thuế khu vực thành phố Sầm Sơn – Quảng Xương đã ra 8 quyết định cưỡng chế thuế đối với Tập đoàn FLC. Đây đều là quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của FLC tại các ngân hàng.
Các tài khoản của FLC bị phong tỏa bao gồm tại VPBank chi nhánh Hà Nội, VIB chi nhánh quận 1, TP.HCM, OCB chi nhánh Hà Nội, Agribank chi nhánh Tây Đô, Vietcombank chi nhánh Thanh Hóa, VietinBank chi nhánh Thanh Hóa và BIDV chi nhánh Thanh Xuân.
Nguyên nhân FLC bị cưỡng chế thuế là bởi họ đã nợ tiền thuế quá hạn 90 ngày so với quy định. Tổng số tiền bị cưỡng chế là hơn 130 tỷ đồng.
Đáng nói, đây không phải lần đầu FLC bị cưỡng chế thuế tiền khủng. Đầu tháng 8/2022, FLC cũng nhận 3 quyết định của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình về việc cưỡng chế thuế tương tự với tổng số gần 224 tỷ đồng.
Ngay sau đó, Cục thuế thành phố Hà Nội tiếp tục thông báo 9 quyết định gồm tiến hành cưỡng chế thuế gần 72 tỷ đồng và phạt hành chính 11,5 triệu đồng đối với Tập đoàn FLC.
Như vậy chỉ trong nửa đầu tháng 8, tập đoàn đa ngành này đã bị 3 cơ quan thuế cưỡng chế tổng số tiền 426 tỷ đồng bằng biện pháp trích tiền/phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng.
FLC thực sự khó khăn sau biến động lớn về nhân sự cấp cao và chấn động liên quan đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của mình sau khi cựu chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết, sau đó là hàng loạt cán bộ cấp cao của FLC cũng xộ khám hoặc rời bỏ các mảng kinh doanh của FLC.
Hiện FLC là tập đoàn đa ngành, kinh doanh bất động sản, nghỉ dưỡng, hạ tầng và hàng không tại nhiều nơi như Thanh Hóa, Bình Phước, Kon Tum, Hòa Bình, Lâm Đồng, Quảng Ngãi… với quy mô hàng nghìn tỷ đồng và hàng trăm ha đất.
Tập đoàn FLC tiếp tục bị cơ quan thuế Thanh Hoá cưỡng chế thuế số tiền hơn 130 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, FLC bị cưỡng chế 426 tỷ đồng tiền thuế.
Tổng Hợp