Hầu hết nhà kinh tế đều kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng mức lãi suất mục tiêu quỹ liên bang lên phạm vi từ 4,75% đến 5% trong chiều nay (theo giờ Mỹ).
Mặc dù vậy, một số người vẫn cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ ngừng tăng lãi suất do lo ngại về hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, tính đến ngày 21/3, thị trường vẫn nghiêng về khả năng 80% Fed sẽ tăng lãi suất.
Fed đang cân nhắc sử dụng công cụ tăng lãi suất đồng thời cố gắng xoa dịu thị trường và ngăn chặn tình trạng tiếp tục rút tiền ra khỏi ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại tăng lãi suất sẽ gây thêm áp lực cho các tổ chức ngân hàng và siết chặt hơn nữa hoạt động cho vay, gây tổn hại cho các doanh nghiệp nhỏ và những người đi vay khác.
Michael Gapen, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại Bank of America, cho rằng dữ liệu kinh tế vĩ mô rộng lớn hơn cho thấy một số biện pháp thắt chặt hơn nữa chắc chắn xảy ra.
Các cơ quan quản lý của Mỹ đang bảo lãnh cho các khoản tiền gửi ở Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB) vừa sụp đổ bằng cách cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các ngân hàng trong thời hạn 1 năm. Fed cũng đã cùng các ngân hàng trung ương trên toàn cầu khác cam kết tăng cường thanh khoản cho hệ thống sau khi UBS đồng ý mua lại Credit Suisse.
Do đó, điều mà giới đầu tư chờ đợi từ thông điệp của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong bài phát biểu sau cuộc họp là cam kết giải quyết các vấn đề của ngành ngân hàng.
Ông Gapen mong đợi Chủ tịch Fed Powell sẽ giải thích rằng Fed đang kiềm chế lạm phát bằng việc tăng lãi suất, nhưng cũng đảm bảo với thị trường rằng họ có thể sử dụng các công cụ khác để duy trì sự ổn định tài chính. Theo ông, Fed có thể tăng lãi suất lên 5,4% trong năm nay, cao hơn so với mức 5,1% đưa ra trong dự báo trước đó.
Jimmy Chang, giám đốc đầu tư tại Văn phòng gia đình toàn cầu Rockefeller, cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất ở mức 0,25% để củng cố niềm tin, sau đó ra dấu hiệu kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Tuy nhiên, ông cho rằng Fed có thể sẽ không nói sẽ ngừng tăng lãi suất, nhưng thông điệp của họ có thể được hiểu theo cách đó.
Bà Diane Swonk, chuyên gia kinh tế trưởng tại KPMG, cũng dự đoán Fed có khả năng tạm dừng tăng lãi suất. Theo bà, ông Powell phải cân nhắc các lựa chọn để thúc đẩy ổn định giá cả và tài chính.
Thị trường chứng khoán đã chao đảo trong tháng trước, ban đầu là do Fed hiếu chiến hơn với việc thắt chặt tiền tệ, sau đó là những lo ngại về sự lây lan trong hệ thống ngân hàng.
Trước đó 2 tuần, trong bài phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, ông Powell đã cảnh báo cơ quan điều hành này có thể phải tăng lãi suất cao hơn dự kiến để chiến đấu với lạm phát.
Tuy nhiên, vài ngày sau đó, sự sụp đổ đột ngột của ngân hàng SVB đã khiến thị trường choáng váng, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm đáng kể. Lợi suất trái phiếu diễn biến ngược chiều với giá trái phiếu. Kỳ vọng tăng lãi suất của Fed cũng thay đổi đáng kể, từ mức 0,5% đưa ra 2 tuần trước xuống còn 0,25%, thậm chí cả mức 0%.
Thị trường bước vào tuần mới đã bình tĩnh hơn. Các chỉ số chứng khoán đã tăng trở lại, lợi suất trái phiếu kho bạc cũng tăng cao hơn sau khi UBS đồng ý mua lại Credit Suisse với giá 3,25 tỷ USD, khiến căng thẳng về hệ thống ngân hàng phần nào được xoa dịu.
Nhưng những lo lắng vẫn còn đó với ngân hàng First Republic, dù đã nhận được khoản hỗ trợ thanh khoản 30 tỷ USD từ một loạt các ngân hàng lớn của Mỹ vào tuần trước. JPMorgan vẫn đang hỗ trợ ngân hàng này tìm giải pháp thay thế như tăng vốn hoặc bán tài sản. Hôm 20/3, cổ phiếu ngân hàng này đã giảm 47% nhưng đã hồi phục trở lại trong phiên hôm qua khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cam kết chính phủ sẽ hỗ trợ tiền gửi cho các tổ chức khác nếu cần.
Tổng Hợp
(CNBC)