Hiện tại, đối mặt với lạm phát tăng đến 9,1% vào tháng 6 vừa rồi, FED đang cố gắng duy trì một thị trường ổn định và giúp người dân giữ công ăn việc làm.
Theo các chuyên gia, việc FED liên tục tăng lãi suất đã tác động rõ nét đến nhiều thị trường trong đó có Việt Nam. FED tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỉ giá USD/VND.
Cụ thể, tỉ giá USD/VND từ ngày 16-3 (lần FED tăng lãi suất đầu tiên) tới nay đã tăng liên tục. Tại Ngân hàng Vietcombank, giá bán USD ngày 16-3 chỉ ở mức 23.020 đồng/USD, đến nay đã tăng lên mức 23.520 đồng/USD vào ngày 28-7, tăng 500 đồng/USD, tương đương mức tăng 2,15%. Tương tự, giá mua USD tiền mặt cũng tăng tương ứng từ 22.710 đồng/USD lên 23.210 đồng/USD.
Áp lực tỉ giá và lạm phát tăng lên cũng khiến các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất huy động trong thời gian qua với mức tăng 0,3 – 0,5% tùy theo kỳ hạn, và xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra.
Cũng theo các chuyên gia, việc FED liên tục tăng lãi suất trong những tháng gần đây khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, trong khi đó chi phí đi vay của doanh nghiệp và người dân tăng lên, từ đó làm cho họ cân nhắc đầu tư, tiêu dùng, nhất là bằng vốn vay nhiều hơn. Nhu cầu hàng hóa – dịch vụ giảm, từ đó làm giảm sức cầu của hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang ở mức cao và Mỹ là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, diễn biến này có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, tỉ giá USD/VND dự báo tăng không quá lớn do dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn ở mức khá cao sẽ góp phần tạo tấm đệm với các cú sốc bên ngoài và ổn định tỉ giá. Nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự báo vẫn tăng, cán cân thương mại dự báo cả năm vẫn thặng dư và Ngân hàng Nhà nước kiên định chính sách điều hành tỉ giá linh hoạt.
Kinh tế trưởng VinaCapital Michael Kokalari nhận định Việt Nam đang có khả năng chống chọi với việc FED tăng lãi suất và các rủi ro toàn cầu tốt hơn một số thị trường mới nổi và cận biên khác. Đây là kết quả của các chính sách đã được Chính phủ Việt Nam kiên trì thực hiện trong suốt thập niên qua nhằm cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế.
Ngoài việc VND chỉ mất giá khoảng 2% so với mức giảm 5% của đồng nhân dân tệ (Trung Quốc), ông Kokalari dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ đạt mức trung bình 3,5% trong năm nay, trái ngược với mức lạm phát cao đang bủa vây các quốc gia ASEAN mới nổi.
Để kiểm soát lạm phát, FED thường sử dụng lãi suất làm công cụ chính. Với việc tăng lãi suất liên tục, FED đang mong muốn các hoạt động kinh tế chậm lại để lạm phát được giảm từ từ.
Ông Powell cho biết lãi suất cao này sẽ khiến cho người dân khó có thể mua nhà đất hoặc đầu tư hơn, nhưng nó sẽ giúp cho nền kinh tế Mỹ đủ chậm để chuỗi cung ứng có thể cân bằng với nhu cầu thị trường.
“Chúng ta cần tăng trưởng chậm lại. Chúng tôi không muốn lạm phát này lớn hơn mức cần thiết. Nhưng cuối cùng nếu nghĩ về trung và dài hạn, ổn định giá là yếu tố khiến toàn bộ nền kinh tế hoạt động”, ông Powell chia sẻ với New York Times.
Năm 1980, Mỹ cũng đã đối mặt với mức lạm phát rất cao – 13,5%. Lúc đó, FED đã tăng lãi suất lên đến 20%. Tuy Mỹ lúc đó đã kiểm soát thành công lạm phát, FED đã vô tình đẩy quốc gia lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế. Bài học những năm 1980 cho thấy FED phải cân bằng giữa việc kiểm soát lạm phát và suy thoái kinh tế.
Quyết định tăng lãi suất lần 4 của FED được đưa ra trong bối cảnh các nhà kinh tế và hoạch định chính sách đang lo ngại nền kinh tế số 1 đang tiến tới suy thoái, khi GDP giảm quý thứ 2 liên tiếp. Ở phố Wall, các nhà đầu tư cũng đang dự báo về một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, chủ tịch FED bác bỏ khả năng suy thoái kinh tế. “Tôi không nghĩ Mỹ hiện đang trong thời kỳ suy thoái. Có rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đang hoạt động quá tốt”, ông Powell nói.
Tổng Hợp