Bloomberg đưa tin, càng ngày càng có nhiều nhà kinh tế, bao gồm cả những chuyên gia tại Cục Dự trữ Liên bang dự đoán Mỹ sẽ thoát khỏi suy thoái. Tuy nhiên, đến năm 2024 mới có thể chắc chắn về điều này, Fed đang chơi trò “chờ đợi” để cố gắng tránh một cuộc suy thoái.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông kỳ vọng ngân hàng trung ương có thể chèo lái giúp nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng, đồng thời lạm phát quay trở lại mức mục tiêu 2% dù cho nhiệm vụ song song này có nhiều thách thức.
Một mặt, việc hành động không đủ quyết liệt có thể khiến lạm phát tăng trở lại và Fed phải thắt chặt mạnh mẽ hơn sau đó. Mặt khác, độ trễ của chính sách lại có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
“Tôi không nghĩ trong ít nhất hai quý tới, bức tranh kinh tế sẽ đi theo chiều hướng nào một cách rõ ràng, mặc dù thực tế là lạm phát có xu hướng giảm giúp Fed có thêm thời gian. Dường như Fed đã dự báo trước được rằng việc hạ cánh mềm vẫn chưa được đảm bảo”, Jonathan Millar, nhà kinh tế cấp cao tại Barclays Capital cho biết.
Theo Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia, suy thoái kinh tế là sự suy giảm đáng kể hoạt động kinh tế kéo dài trong nhiều tháng. Vì vậy, có thể mất tới 21 tháng để các chuyên gia xác định có suy thoái hay không, sau khi đánh giá các số liệu liên quan và các đợt điều chỉnh.
Mặc dù vẫn chưa có khái niệm chính thức về hạ cánh mềm nhưng hầu hết các nhà kinh tế coi đó là việc lạm phát hạ nhiệt mà không gây ra suy thoái hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến thị trường lao động.
Đây là một con đường không hề dễ dàng. Một nghiên cứu của cựu Phó Chủ tịch Fed Alan Blinder về 11 lần thắt chặt chính sách tiền tệ từ năm 1965 đến năm 2022 cho thấy 4 lần đã có kết quả gần như thành công và lạm phát ổn định. Tuy nhiên các lần còn lại đã dẫn đến hạ cánh cứng hoặc lạm phát tăng tốc trở lại 2 năm sau đó.
Cựu Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida, hiện là cố vấn kinh tế toàn cầu tại Pacific Investment Management cho biết: “Hai mặt đều có rủi ro. Tôi nghĩ chúng ta sẽ có câu trả lời vào mùa xuân tới”.
Các quan chức Fed đang dự đoán “đáp án” thậm chí sẽ có sau một khoảng thời gian dài hơn. FOMC cũng cho rằng lạm phát có thể đạt mục tiêu 2% sau năm 2025. Bloomberg viết, có lẽ Fed đang chơi “một trò chơi” mang tên “chờ đợi” để xem liệu Mỹ có thể tránh được suy thoái hay không?.
Dấu hiệu của một nền kinh tế có giá cả ổn định sẽ rõ ràng hơn trong dữ liệu cuối năm tới hoặc năm sau nếu các dự báo là đúng. Bởi để đem về một kết quả như vậy tốn rất nhiều thời gian, thậm chí lãi suất cao còn có thể duy trì lâu hơn nữa.
Các nhà hoạch định chính sách cũng đang dự báo lãi suất sẽ ở mức 4,6% vào cuối năm tới, cao hơn 2% so với xu hướng lãi suất dài hạn và cao hơn khoảng 0,5% so với những gì thị trường mong đợi.
Fed đã tăng phạm vi lãi suất vào tháng trước lên 5,25 – 5,5%, mức cao nhất trong hai thập kỷ. Họ cũng báo hiệu rằng có thể có một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay.
Dữ liệu gần đây đều vượt dự báo của các nhà kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp đạt 3,5%, thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Lạm phát cơ bản tháng 7 cũng ghi nhận mức tăng 2 tháng liên tiếp nhỏ nhất trong hơn hai năm. Dù điều này đem lại tín hiệu tích cực cho việc hạ cánh mềm nhưng nó cũng không loại trừ hoàn toàn khả năng lạm phát có thể “nóng” trở lại.
Các nhà hoạch định chính sách muốn tránh lặp lại sai lầm của những năm 1970, khi Fed sớm từ bỏ nỗ lực kiềm chế lạm phát để chứng kiến sự gia tăng giá cả trở lại mức hai con số sau đó.
“Tất nhiên, kết quả tồi tệ nhất sẽ là không giải quyết được lạm phát ngay bây giờ”, chủ tịch Powell nói hồi tháng 7. Bởi dữ liệu kinh tế thường trái chiều vào các giai đoạn chuyển giao, sau đó được điều chỉnh, và không quá bất thường khi có một quý tăng trưởng âm trong cả quá trình. Vì vậy cũng khó có thể xác định liệu Fed có thật sự thành công trong khoảng thời gian áp dụng chính sách hay không.
Xét cho cùng, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng “trì trệ” suốt 2 quý nửa đầu năm 2022 – điều thường tạo ra suy thoái kinh tế ở các quốc gia khác.
Lịch sử cũng có những ví dụ tương tự. 6 tháng trong cuộc đại suy thoái 2007-2009, các quan chức FOMC cũng đã dự đoán mức tăng trưởng vừa phải trong năm 2008. Và cựu chủ tịch Ben Bernanke ban đầu bác bỏ những lo ngại về ảnh hưởng của các khoản thế chấp dưới chuẩn đối với nền kinh tế.
Tổng Hợp