Thủ tướng yêu cầu sớm có khung pháp lí cho mô hình farmstay
Theo Chủ tịch HoREA, có nhiều nguyên nhân để mô hình farmstay phát triển theo cách tự phát, trước mắt có thể bắt nguồn từ Văn bản dưới Luật Đất đai, trong đó có nội dung UBND cấp tỉnh qui định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Bên cạnh đó, Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai” qui định UBND tỉnh căn cứ vào qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất, qui hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để qui định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất.
“Các qui định này không phù hợp với qui định của Luật Đất đai vì đã cho phép tách thửa đối với cả các loại đất không phải là đất ở, có thể làm gia tăng tình trạng phân lô bán nền tràn lan, hoặc tách thửa đất nông nghiệp, đất rừng… khó kiểm soát”, ông Lê Hoàng Châu cho biết.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HoREA cho rằng cũng có thể xuất phát từ việc buông lỏng quản lí của chính quyền địa phương đối với loại hình kinh doanh mới farmstay của một số doanh nghiệp trên địa bàn.
Ngoài ra, cũng có khả năng hoạt động đầu tư kinh doanh loại hình farmstay của một số tổ chức, cá nhân không tuân thủ pháp luật.
Theo ông Châu, đây là loại hình đáp ứng nhu cầu mới của thị trường du lịch nói chung và thị trường bất động sản du lịch nói riêng. Do vậy, rất cần xây dựng khung pháp lí để điều chỉnh, đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững.
“Nếu dự án khu du lịch trải nghiệm nông thôn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và hoạt động kinh doanh du lịch thì bình thường.
Tuy nhiên, nếu tổ chức, cá nhân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép các cơ sở lưu trú du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch dạng farmstay mà chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất thương mại, dịch vụ, thì cần phải được chấn chỉnh, xử lí kịp thời”, ông Châu nhận định.
Đặc biệt, các cơ quan có thẩm quyền phải kiên quyết ngăn chặn, xử lí các trường hợp tổ chức, cá nhân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép các cơ sở lưu trú du lịch và bán, huy động vốn trái phép các lô farmstay cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Theo quan điểm của ông Châu, Chính phủ nên chỉ đạo thực hiện nghiêm qui định chỉ cho phép tách thửa đối với đất ở nông thôn và đất ở đô thị, không cho phép tách thửa đối với các loại đất không phải đất ở.
Đối với các loại đất khác xen cài trong khu vực đô thị, điểm dân cư nông thôn mà người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa để làm nhà ở, trước hết phải lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, rồi sau đó mới thực hiện thủ tục tách thửa đất ở theo qui định.
Trong trường hợp các doanh nghiệp muốn chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng thành đất thương mại, dịch vụ để thực hiện các dự án đầu tư, kể cả dự án farmstay, doanh nghiệp phải lập dự án đầu tư theo đúng qui định.
Ngoài ra, ông Châu cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên xem xét và có đề xuất bổ sung loại hình mới farmstay vào Điều 48 Luật Du lịch để thống nhất quản lí và sửa đổi Quyết định 3720/QĐ-BVHTTDL (ngày 28/10/2019) để bổ sung cơ chế quản lí vận hành farmstay.
Mới đây vào ngày 21/7, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu các bộ sớm nghiên cứu, ban hành chính sách, điều chỉnh hoạt động của mô hình farmstay, tránh các biến tướng tiêu cực ảnh hưởng tới môi trường đầu tư và kinh doanh.
Theo phản ánh của báo chí trong thời gian vừa qua, mô hình farmstay đang nở rộ với nhiều hình thức. Các địa phương du lịch như Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, chủ đầu tư đưa ra cam kết cho khách mua mức lợi nhuận 50 triệu đồng mỗi năm.
Một số khu vực khác như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Long An, TP HCM,.. cũng xuất hiện các dự án farmstay với lợi nhuận cam kết 15-20% mỗi năm.
Nguyên Ngọc
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
Link gốc: https://kinhtetieudung.phapluatxahoi.vn/farmstay-no-ro-gay-bien-tuong-tu-y-phan-lo-dat-nong-nghiep-dat-rung-trai-phep-20200730103351068.htm