Cuối năm 2020 bộ Giao Thông Vận Tải cùng với các nhà thầu, các chuyên gia đến từ Pháp đã cho cùng tiến hành chạy thử nghiệm đường sắt Cát Linh – Hà Đông sau nhiều lần trể hẹn. Hiện nay các bộ, ban ngành đang chờ kết quả đánh giá trung gian đến từ các chuyên gia người Pháp để đi đến kết quả chính thức có nên vận hành thương mại hay không.
Sau khi kết thúc việc vận hành thử nghiệm, tư vấn Pháp sẽ có những đánh giá riêng. Nếu đạt các yêu cầu kỹ thuật, an toàn tư vấn mới cấp chứng chỉ cho dự án.
Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cũng kiểm tra đánh giá về kỹ thuật, an toàn của dự án. Nếu dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đạt điều kiện sẽ được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho UBND TP. Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.
Có đúng tiến độ khai thác?
Như vậy, sau nhiều lần gia hạn vận hành, khai thác thương mại, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã cam kết sẽ đưa vào vận hành, khai thác tuyến này trong quý 1/2021. Sau khi chính thức vận hành khai thác vào đầu năm 2021, hành khách đi tàu có thể mua vé tàu Cát Linh – Hà Đông qua một hệ thống bán vé tự động hoặc tại quầy và sử dụng thẻ để ra vào ga.
Theo kế hoạch, khi dự án được đưa vào khai thác thương mại, người dân Thủ đô sẽ có dịp được trải nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông miễn phí tiền vé trong 15 ngày đầu tiên. Vé ngày sẽ có giá 30.000 đồng/vé, không hạn chế số lần sử dụng dịch vụ trong một ngày. Vé lượt dao động từ 8.000 – 15.000 đồng/lượt tùy theo từng chặng. Trong đó, 7.000 đồng là giá mở cửa cộng thêm 600 đồng cho mỗi km tiếp theo; 15.000 đồng là giá vé toàn tuyến. Vé tháng sẽ có 2 mức giá, là 100.000 đồng/tháng với nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định của TP. Nhóm hành khách thông thường sẽ là 200.000 đồng.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số cơ quan báo chí, trước ngày bàn giao đường sắt Cát Linh – Hà Đông, nhiều nhà ga xuống cấp, hư hỏng. Cụ thể, Kinh tế & Đô thị cho biết, tại một số nhà ga trên toàn tuyến đường sắt này sự xuống cấp, hư hỏng xảy ra tại khá nhiều vị trí, nhất là lớp sơn phủ đã bị rạn nứt, bong tróc nham nhở.
Có thể kể đến như ga La Khê, ga Hà Đông, ga Văn Quán, ga Phùng Khoang… Thậm chí, một số nhà ga còn xuất hiện tình trạng thấm nước tại ngay vị trí đấu nối đường điện, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy. Theo quan sát của phóng viên, một số nhà ga đang thực hiện việc sửa chữa lớp sơn bị bong tróc nhưng vẫn mang tính chất chắp vá và chủ yếu làm ở khu vực dưới thấp, còn các vị trí sơn bong tróng, nứt vỡ trên cao rất khó để thực hiện.
Đáng nói, nhiều nhà ga của tuyến đường sắt này còn đang bị chiếm dụng trái phép để biến thành nơi để xe ô tô trái phép hoặc nơi kinh doanh. Điều này vừa gây mất mỹ quan, xâm phạm hành lang ATGT mà còn không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, tại ga Láng, toàn bộ khu vực phía dưới nhà ga bị biến thành một…”nhà vệ sinh công cộng” với rất nhiều thứ chất thải bị phóng uế bừa bãi, bốc mùi khai và hôi thối.
TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng, từ hiện trạng nhiều nhà ga của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị xâm hại trái phép để thành nơi đỗ xe, kinh doanh có thể thấy công tác bảo vệ công trình này, đặc biệt là khu vực phía dưới chân nhà ga không được quan tâm đúng mức.
Vẫn chờ báo cáo đến khi nào?
Toàn bộ 13 đoàn tàu của dự án đều chạy thử, xuất phát từ điểm đầu là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đi hơn 13 km trên cao tới Cát Linh (quận Đống Đa). Tốc độ chạy tàu trung bình 35 km/h (thiết kế 80 km/h), thời gian đi từ ga đầu đến ga cuối hết 30 phút. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người.
Các đoàn tàu chạy với tần suất đến ga 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến. Tại mỗi ga, tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống. Đoàn tàu vận hành theo đúng biểu đồ chạy tàu để tổng thầu, tư vấn Pháp đánh giá, kiểm chứng mức độ an toàn, chính xác của hệ thống.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, quá trình vận hành thử của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông diễn ra thuận lợi. Căn cứ kết quả vận hành thử, trong quý I/2021, liên danh tư vấn độc lập dự kiến cấp chứng chỉ an toàn hệ thống cho dự án. Sau đó, Bộ GTVT (chủ đầu tư) sẽ nghiệm thu công trình và bàn giao cho Hà Nội quản lý, vận hành.
Theo kế hoạch, ngày hôm nay (4/1), đơn vị Tư vấn ACT (Tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống) sẽ tiếp tục phát hành báo cáo đánh giá an toàn dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Sau ý kiến cuối cùng của đơn vị tư vấn, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cùng UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành liên quan nghiệm thu dự án có điều kiện theo quy định của Chính phủ. Sau đó, dự án được bàn giao cho Hà Nội để tiếp tục đánh giá an toàn hoặc vận hành thương mại; những hạng mục còn lại sẽ từng bước hoàn chỉnh.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cam kết có phát biểu trong tháng 12/2020, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện và cố gắng tối đa để đưa dự án Cát Linh – Hà Đông vào vận hành thương mại trước tháng 1/2021.