Chỉ thời gian ngắn sau khi được sửa chữa, nâng cấp, tuyến đường Bến Vân Đồn đoạn từ cầu Khánh Hội đến cầu Nguyễn Văn Cừ (quận 4) đã bị “bao vây” bởi hàng chục công trình nhà cao tầng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng trên là hệ quả của việc cấp phép dự án đi ngược quy trình, bởi lâu nay, dự án nhà ở cao tầng luôn đi trước hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hệ quả là quy mô dân số tăng quá nhanh, gây sức ép lên hạ tầng giao thông hiện hữu, trong khi những dự án được triển khai đón đầu hạ tầng phải “đắp chiếu” vì không thể kết nối với trục giao thông chính.
Từ tháng 6/2021, doanh nghiệp triển khai thủ tục đầu tư và được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thụ lý, lấy ý kiến các sở, ngành có liên quan. Đến nay, ngoại trừ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, các cơ quan chức năng khác đã có văn bản phản hồi.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) về dự án này, ngoài việc Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có ý kiến để Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, dự án đang gặp vướng mắc trong kết nối giao thông vì hiện mới có đường nội bộ kết nối vào dự án lộ giới khoảng 4 m, trong khi hướng chính vẫn đang chờ đường Vành đai 2 hoàn thiện.
Tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) nối Nhà Bè, với chiều dài chưa đầy 3 km cũng oằn mình gánh hơn 50 dự án nhà ở, trong đó nhiều dự án từ 8.000 căn hộ trở lên. Theo khảo sát, xung quanh khu vực cầu Rạch Đĩa, một loạt dự án đang trong quá trình triển khai, trong tương lai sẽ cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn căn hộ.
Ở ngay khu vực trung tâm TP.HCM, đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn từ Cách Mạng Tháng Tám tới Phạm Ngọc Thạch (quận 3) chỉ dài khoảng 1km có tới gần 20 tòa cao ốc, trong đó có nhiều tòa vừa đi vào khai thác với quy mô trên 20 tầng (chưa kể tầng hầm, tầng lửng). Tương tự, trên đường Hai Bà Trưng, chỉ đoạn ngắn từ Điện Biên Phủ đến Nguyễn Du (quận 1) cũng có tới hơn chục tòa cao ốc cả cũ, mới lẫn đang được xây dựng.
Điểm chung của các tuyến đường này là mật độ dân cư quá đông, trong khi hạ tầng không theo kịp, dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng và đây chỉ là một vài “điểm đen” giao thông tại TP.HCM. Theo thống kê của Sở Giao thông – Vận tải, tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị tại TP.HCM đạt gần 13%, thấp hơn đáng kể so với quy chuẩn từ 20-26% của đô thị trung tâm. Tổng chiều dài các tuyến đường là hơn 4.500 km, tương đương mật độ 2,26 km/km2, cũng chỉ bằng 1/5 quy chuẩn. Trong khi đó, toàn Thành phố hiện có hơn 1.000 tòa nhà cao 25-100 m, tập trung ở các quận 1, 3, 5, 7 và TP. Thủ Đức, dẫn tới hạ tầng nhiều nơi bị quá tải.
Để cứu vãn tình thế, Sở Giao thông – Vận tải mới có đề xuất và được UBND TP.HCM đồng ý triển khai việc đánh giá tác động giao thông đối với các công trình mới trước khi cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, tất cả các dự án đầu tư công trình xây dựng như chung cư cao tầng, khu nhà ở thấp tầng, trung tâm thương mại, trường học, nhà hàng… phải thiết kế phương án kết nối giao thông, đánh giá nhu cầu giao thông phát sinh của công trình. Công tác đánh giá được thực hiện ngay trong giai đoạn lập dự án, quy hoạch để xác định quy mô đầu tư và đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án đến hệ thống hạ tầng xung quanh.
Để giảm các tác động kém tích cực, Thành phố áp dụng nhiều biện pháp hành chính cũng như kỹ thuật như giãn dân ra khu vực ngoại thành, ven đô, bắt đầu từ các nhà máy, xí nghiệp, trường đại học, sau đó là mở đường mới qua công viên, mở rộng hẻm qua khu dân cư, xén vỉa hè mở rộng đường cũ…, nhưng tình hình tắc nghẽn không mấy cải thiện, trong khi số lượng cây xanh, đất công viên… ngày một giảm, thậm chí không còn chỗ đặt thùng rác.
Tổng Hợp