Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Các quy định được đánh giá là đã chặt chẽ hơn nhưng rủi ro vẫn chưa thể ‘tan biến’.
Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, quy mô thị trường TPDN tăng trưởng bình quân 45%/năm giai đoạn từ 2017 đến hết tháng 6/2020. Trong 6 tháng đầu năm 2020, có đến 130 DN thực hiện chào bán trái phiếu, huy động tổng cộng 156.327 tỷ đồng thông qua 818 đợt phát hành (tăng khoảng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019). Nhưng các chuyên gia đánh giá, đây là mức tăng trưởng khá “nóng”, có thể tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, Nghị định 81 được ban hành được đánh giá là giúp thị trường TPDN theo hướng chặt chẽ, thận trọng hơn, nhằm lành mạnh hóa, kiểm soát rủi ro thị trường.
Mặc dù đã có nhiều thay đổi, nhưng rủi ro mới chỉ gọi là được hạn chế, bởi rủi ro đến từ nguyên nhân khách quan và cả chủ quan. Trong đó, về nguyên nhân chủ quan, hầu hết nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Việt Nam chưa có các kiến thức cơ bản về tài chính DN, thị trường chứng khoán… mà thường chỉ tham gia thị trường trên cơ sở được chào mua với lãi suất hấp dẫn.
Chính vì thế, mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều khuyến nghị đối với DN phát hành, nhà đầu tư, tổ chức phân phối trái phiếu khi đầu tư, phát hành, cung cấp dịch vụ TPDN. Theo đó, DN phát hành trái phiếu phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ, tuân thủ quy định pháp luật. Bộ Tài chính nhấn mạnh, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu.
Từ những vấn đề nêu trên, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường công tác truyền thông, đào tạo nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nói chung và thị trường TPDN nói riêng. Chính phủ đã ban hành nhiều kế hoạch để thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, nên các cơ quan, bộ, ngành phải quyết tâm hơn nữa trong việc xây dựng môi trường TPDN hợp lý, an toàn. Hơn nữa, giải pháp lâu dài và căn cơ vẫn là phát triển đầy đủ, đồng bộ các thị trường trong hệ thống tài chính như lĩnh vực cho thuê tài chính, các quỹ đầu tư đa dạng, thị trường phái sinh với nhiều sản phẩm hơn và nhà đầu tư hiểu biết hơn, chuyên nghiệp hơn…