Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa có báo cáo cho rằng điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, chuyển từ hình thức công – tư (PPP) sang đầu tư công là không phù hợp, sẽ không thực hiện được chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là huy động các nguồn lực xã hội để tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Trước đó, Chính phủ kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này chuyển đổi hình thức đầu tư từ dự án PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công được cho là để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng GDP, đem lại hiệu quả về kinh tế – xã hội, khắc phục tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Cao tốc Bắc – Nam dài 654km được chia ra 8 dự án thành phần đầu tư PPP theo hình thức hợp đồng BOT có tổng mức đầu tư là 118.716 tỉ đồng. Trong đó, phần vốn ngân sách nhà nước là 55.000 tỉ đồng, phần vốn huy động ngoài ngân sách là 63.716 tỉ đồng. Triển khai dự án giao thông có quy mô lớn như cao tốc, Nhà nước lo khâu khó nhất là giải phóng mặt bằng và chi ngân sách gần 50% tổng mức đầu tư có thể là ưu đãi không nhỏ. Nghị quyết 52 của Quốc hội và Nghị quyết 20 của Chính phủ về dự án cao tốc Bắc – Nam làm theo quy định pháp luật, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải tối thiểu đạt được 20% tổng mức đầu tư. Đồng thời, không bảo lãnh doanh thu, vốn vay cho nhà đầu tư. Tức là thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư theo hướng “lời ăn lỗ chịu”, Nhà nước không có bảo lãnh. Một số ý kiến lo ngại doanh nghiệp trong nước khó đạt yêu cầu vốn tự có tối thiểu 20% tổng mức đầu tư, không loại trừ khả năng “bể thầu”, phải áp dụng đầu tư công, còn có đề xuất Nhà nước bảo lãnh doanh thu để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn không hạ tiêu chí năng lực tài chính lựa chọn nhà đầu tư trong nước hẳn có nguyên nhân, nhằm hạn chế nhà đầu tư “tay không bắt giặc”. Nếu hạ tiêu chí năng lực tài chính, nhiều doanh nghiệp có cơ hội tham gia nhưng cũng sẽ có nguy cơ chọn nhà đầu tư yếu kém.
Thực tế không ít trường hợp đã chọn trúng nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, không có vốn tối thiểu, không bỏ vốn tự có, sử dụng vốn vay làm dự án đưa vào hợp đồng BOT. Mà dự án sử dụng vốn vay tư nhân, ngân hàng thương mại hoặc cổ phần, nhà đầu tư vẫn được thanh toán chi phí có liên quan. Xét về bản chất không khác gì Nhà nước đi vay tiền, về cơ bản dùng tiền của Nhà nước làm dự án, khác là lấy tiền từ túi này bỏ qua túi kia. Nhà nước phải bỏ vốn để đầu tư, không giảm gánh nặng ngân sách, còn chịu chi phí cho nhà đầu tư có lợi nhuận. Lãi vay theo tổng mức đầu tư dự án quy mô lớn như cao tốc Bắc – Nam là hàng chục ngàn tỉ đồng, càng sử dụng vốn vay càng không hiệu quả. Người tham gia giao thông từng bức xúc khi thấy nhiều nhà đầu tư đòi tăng phí (3 năm 1 lần, mỗi lần tăng 12-18% tùy dự án), đòi trả lại dự án BOT giao thông đều có điểm chung được cho là kinh doanh không hiệu quả vì phải trả nợ ngân hàng cả gốc lẫn lãi vay với số tiền quá lớn. Nếu công khai, minh bạch các thông tin liên quan và tổ chức đấu thầu một cách công bằng sẽ không lo thiếu vốn làm cao tốc Bắc – Nam. Điển hình trong số 60 bộ hồ sơ dự sơ tuyển đấu thầu quốc tế trước đó đối với dự án cao tốc Bắc – Nam thì đã có đến 15 bộ hồ sơ của nhà đầu tư trong nước tham gia như Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Đèo Cả, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty cổ phần Tasco, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phương Thành, Công ty cổ phần Tập đoàn Hùng Thắng… Còn nhiều nhà đầu tư có khả năng tài chính chưa tham gia như Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Hạ tầng, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam và hàng loạt tập đoàn nổi tiếng Vingroup, Sun Group, Xuân Thành…. Nếu các nhà đầu tư này tham gia, chắc chẳn không thiếu vốn. Nhu cầu giao thông ngày càng cao, tiềm năng còn rất lớn cho dư án đầu tư theo hình thức BOT. Nước ta có hơn 90 triệu dân, hội nhập quốc tế, đời sống không ngừng tăng lên nhưng hiện chỉ có khoảng hơn 3 triệu ôtô. Dự báo sắp tới, lượng ôtô sẽ tăng lên đáng kể. Trong số tiền 118.716 tỉ đồng vốn đầu tư làm đường cao tốc Bắc Nam, phần vốn ngân sách nhà nước góp 55.000 tỉ đồng, còn lại là vốn tự có và vốn huy động 63.716 tỉ đồng không phải là lớn nếu so với tổng mức đầu tư hơn cả trăm ngàn tỉ đồng vốn tư nhân đã đề xuất đầu tư vào các nhà máy BOT nhiệt điện. Hay rất nhiều dự án đầu tư trong thời gian qua có quy mô hàng ngàn tỉ đồng cũng cho thấy không phải thiếu vốn để làm BOT cao tốc Bắc – Nam. Điều quan trọng là tạo cạnh tranh công bằng, loạt trừ những nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng cho nhà đầu tư, cho thấy sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư có uy tín và làm ăn chân chính. Nhà nước tạo điều kiện trao vốn ngân sách góp ngay sau khi nhà đầu tư trúng thầu, có cơ chế để hệ thống ngân hàng cho vay số tiền ngoài vốn tự có. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nhau tạo thành những liên doanh lớn đủ điều kiện trúng thầu, chủ động tìm vốn từ thị trường chứng khoán, huy động thêm vốn bằng trái phiếu công trình… Quan trọng là chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt nhất, tổ chức thi công đảm bảo chất lượng và tiến độ dự án cao tốc Bắc – Nam. Bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay là không có lĩnh vực nào lại không thể xã hội hóa, không thể không cho tư nhân tham gia cung cấp sản phẩm và dịch vụ theo yêu cầu của Nhà nước, kể cả những lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Nguồn vốn tư nhân, cụ thể là trong dân và doanh nghiệp ngoài nhà nước còn rất lớn, nếu được khai thác sẽ phát huy hiệu quả. Muốn thu hút vốn tư nhân, phải đảm bảo bình đẳng, xóa bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết. Nhà nước chỉ đứng ra đặt hàng qua đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch. Cần hoàn thiện chính sách, hành lang pháp lý cụ thể ban hành trong Luật Đầu tư, Luật PPP. Tránh tác động bởi lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm làm méo mó chủ trương đúng đắn, đoạn tuyệt với các doanh nghiệp ‘sân sau’, cản trở các nhà đầu tư làm ăn chân chính.
|
|
Nguồn SaigonTimes: https://diaoc.thesaigontimes.vn/303907/dung-lo-thieu-tien-lam-cao-toc-bac–nam.html |