Trao đổi với TBKTSG Online, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du của trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng Thành phố Thủ Đức, hay còn được gọi là Thành phố phía Đông – Khu đô thị sáng tạo tương tác cao của TPHCM, phải được xem là một trong những dự án có tầm nhìn của thế kỷ 21 không chỉ cho TPHCM mà cả Việt Nam. TPHCM vừa được Chính phủ chấp thuận chủ trương thành lập Thành phố Thủ Đức trên cơ sở sắp xếp ba quận: 2, 9 và Thủ Đức. Khu đô thị này rộng hơn 200 km2, với khoảng một triệu dân, kỳ vọng sẽ đóng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM, bằng 4-5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.
Dự án chiến lược của thế kỷ 21 TBKTSG Online: TPHCM đang trong quá trình hoàn thiện đề án thành lập thành phố Thủ Đức. Theo ông, trong quy hoạch thành phố này, nên lưu ý những điểm nào? Ông Huỳnh Thế Du: Phải xác định thành phố Thủ Đức là một dự án đặc khu cho TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây phải là một đô thị hoàn chỉnh, có khả năng cạnh tranh với các đô thị trong khu vực. Điểm nhấn của nó là trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm dịch vụ tài chính có tính chất quốc tế. Nói nôm na là chúng ta sẽ xây dựng một mô hình Singapore ở TPHCM. Nó nên là nơi có thể chế, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm có thể cạnh tranh với các thành phố trong khu vực. Trong đó, phải làm bằng được hai cụm chức năng chính là: dịch vụ tài chính và hỗ trợ kinh doanh (như marketing, tư vấn pháp lý…) ở khu Thủ Thiêm; và đổi mới sáng tạo ở Khu Công nghệ cao quận 9 và Đại học Quốc gia TPHCM. Hai khu vực này nên được lấy làm điểm xuất phát cho thành phố Thủ Đức. Giống như Thượng Hải, điểm xuất phát của Phố Đông là khu Lục Gia Chuỷ nằm phía bên kia sông Hoàng Phố, đối diện phố Tây. Người ta đã phát triển nó thành khu trung tâm mới mới, cả thị trường chứng khoán, tài chính, các dịch vụ hậu cần đều được dồn về đó. Sau đó, trong tương lai dài hạn, thành phố Thủ Đức có thể được mở rộng ra với quy mô lớn hơn và bao gồm dịch vụ logistic cũng như các loại hình dịch vụ khác. Thêm vào đó, các khu nhà ở chất lượng cao với các dịch vụ khép kín cũng là một cấu phần quan trọng. Tóm lại, Thủ Đức phải được đặt mục tiêu để trở thành một đô thị có năng lực đổi mới sáng tạo, sức cạnh tranh cao để nhiều doanh nghiệp đến tổ chức các hoạt động kinh doanh tạo ra nhiều giá trị cho xã hội và có môi trường sống tốt để thu hút lực lượng lao động chất lượng cao và tài năng. Việc thành lập Thành phố Thủ Đức có thể gặp thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông? Về thuận lợi, Thành phố Thủ Đức nằm trong TPHCM, là trung tâm kinh tế, thương mại lớn và năng động nhất của cả nước. Đây cũng là nơi có vị trí tốt, có tiềm lực về con người, tài chính mạnh để phát triển. Tuy nhiên, bất lợi của nó cũng xuất phát từ đây. Nằm trong TPHCM, Thành phố Thủ Đức cũng chịu những ràng buộc về thể chế chung của cả nước. Để xây dựng thành phố này cần một cách làm đột phá và sáng tạo, cần những người dám nghĩ dám làm, dám bước vào vùng xám của cơ chế chính sách. Nhưng TPHCM hiện tại đang ở trong giai đoạn nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng bị phanh phui. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần làm việc và quyết tâm của đội ngũ được giao việc. Đặc biệt là TPHCM có nguồn lực tài chính rất hạn hẹp. Với cơ chế chỉ được giữ lại mười mấy phần trăm ngân sách như hiện nay thì rất khó cho TPHCM phát triển, chứ đừng nói tới làm những thứ đột phá như thành phố Thủ Đức. Chúng ta phải hiểu rằng thành phố Thủ Đức không chỉ là câu chuyện của TPHCM mà là câu chuyện của Việt Nam. Nó sẽ tạo làn sóng tăng trưởng mới cho quốc gia dựa vào đổi mới sáng tạo trong thời đại 4.0. Năm 1990, ông Đặng Tiểu Bình đã vận động chính quyền trung ương Trung Quốc coi Phố Đông của Thượng Hải là chiến lươc phát triển quốc gia. Thành phố Thủ Đức cũng nên được xem dự án có tầm chiến lược cho sự phát triển của Việt Nam trong thế kỷ 21.
Làm thế nào để khắc phục những bất lợi này, nhất là sự thiếu hụt về vốn? Rất nhiều các thành phố, cụ thể là các đô thị ở các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore và đặc biệt là Trung Quốc đã có thể khai thác giá trị từ đất để tạo ra cơ sở hạ tầng. Phố Đông triển khai mô hình công ty phát triển (development corporation) để huy động vốn. Mô hình này tương tự Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) của TPHCM, hay Công ty Thương nghiệp tổng hợp Bến Cát (Becamex) đang vận hành hữu hiệu ở Bình Dương. Ban đầu, Nhà nước giao đất cho công ty phát triển này, giả sử 100 héc-ta với giá ước tính 10.000 tỉ đồng. Sau đó, công ty này lấy 10.000 tỉ đồng (là đất) liên doanh với nhà đầu tư tư nhân theo tỷ lệ 50:50, vốn nhân lên thành 20.000 tỉ đồng (bên này góp đất, bên kia góp tiền thật). Công ty này tiếp tục đi vay với tỷ lệ 1:3. Nghĩa là từ 10.000 tỉ đồng ban đầu đã trở thành 80.000 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng. Từ đó, có thể thấy nếu được đầu tư bài bản thì giá trị từ đất có thể tăng lên khủng khiếp. Ví dụ như trường hợp của Phố Đông (Thượng Hài, Trung Quốc), trong giai đoạn 1990-2001, với giá trị đất ước tính 840 triệu đô la Mỹ, đô thị này đã huy động được gần 10 tỉ đô la cho đầu tư cơ sở hạ tầng và gần 70 tỉ đô la tổng vốn đầu tư toàn khu. Trong giai đoạn 1990-2015, tổng vốn đầu tư toàn khu lên đến gần 300 tỉ đô la, lớn hơn GDP năm 2019 của Việt Nam. Quay trở lại bài toán ngân sách, việc Trung ương cho TPHCM giữ lại một tỷ lệ cao hơn đáng kể so với hiện nay về cơ bản sẽ rất khó và cần một lộ trình dài. Tuy nhiên, với thành phố Thủ Đức thì nên cho giữ lại toàn bộ nguồn thu cho đầu tư phát triển với thời hạn từ 10-20 năm. Nếu không làm được những điều này thì thành phố Thủ Đức sẽ lặp lại “vết xe đổ” của Thủ Thiêm hay Khu Công nghệ cao Hoà Lạc (Hà Nội). Quy hoạch vẽ ra rồi để trên giấy chứ không có tác dụng gì. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính chỉ là một điều kiện cần mà thôi. Then chốt vẫn là cách làm sáng tạo trên tinh thần dám nghĩ, dám làm.
IPC từng là “con gà đẻ trứng vàng” của TPHCM khi đã hợp tác cùng với phía Đài Loan tạo dựng thành công dự án phát triển khu Nam TPHCM. Tuy nhiên, IPC cũng đã bị một số cá nhân “xẻ thịt” vì tư lợi. Có biện pháp nào để ngăn chặn các cá nhân trục lợi hoặc doanh nghiệp địa ốc nhảy vào “xâu xé” đất vàng trong quá trình hình thành thành phố Thủ Đức không, thưa ông? Tôi đã tìm hiểu rất kỹ mô hình công ty IPC. Trong hơn một thập niên kể từ khi thành lập, đây đúng nghĩa là một công ty phát triển đô thị. Các cơ chế tạo động lực cho cán bộ công chức và những người liên quan đã được thiết kế. Cách làm năng động và sáng tạo của những người dám nghĩ, dám làm là nhân tố quyết định cho sự thành công của IPC trong hơn một thập niên đầu tiên. Những kết quả về mặt tài chính có được là do cách làm. IPC đã trở thành con gà đẻ trứng vàng cho thành phố hiểu đúng nghĩa đen của nó. Chỉ tính riêng khu Phú Mỹ Hưng đã tạo ra một nguồn thu ngân sách mấy chục ngàn tỉ đồng. Rất tiếc, sau đó vì những lý do khác nhau mà tính tiên phong của IPC đã bị thui chột và đáng buồn hơn, một số người đã “xẻ thịt” con gà để “lấy trứng” cho riêng mình. Mô hình công ty phát triển có nhiều ưu điểm, nhưng cũng có những đặc điểm hay vấn đề cố hữu của doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, cần phải thiết lập mô hình với chức năng và mục tiêu rõ ràng. Mô hình công ty phát triển địa phương như tôi đã nói ở trên là khả dĩ hơn cả. Nếu giao đất cho tư nhân làm thì sẽ lặp lại sai lầm như đã xảy ra ở một số nước Đông Nam Á khác, lợi nhuận chảy hết vào túi tư nhân còn gánh nặng thì cả xã hội gánh chịu. Điều này trên thực tế đang xảy ra ở Việt Nam. Chẳng hạn, ở khu đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TPHCM), rõ ràng phải có cơ chế để các nhà đầu tư bất động sản đóng góp nguồn vốn vào xây dựng tuyến metro số 1 đi ngang qua đó. Tuy nhiên ở Việt Nam chưa có cơ chế này. Chủ đầu tư lấy hết lợi ích, ngân sách không thu về được bao nhiêu, cơ sở hạ tầng cũng không phát triển được. Phải có sự quyết tâm làm cho bằng được Trên thế giới có nhiều thành phố có chức năng chính là nghiên cứu, sáng tạo được xây dựng trên một vùng đất mới hoàn toàn. Trong khi đó thành phố Thủ Đức được hình thành trên cơ sở hợp nhất ba quận đã có sẵn nên việc tổ chức không gian có lẽ rất khó khăn? Diện tích hơn 200 km2 của Thành phố Thủ Đức là rất lớn, đủ tầm để trở thành một đầu mối phát triển cho TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Diện tích có thể phát triển của khu Nam Seoul (Gangnam, Hàn Quốc) được bắt đầu phát triển từ cuối thập niên 1960 cũng chỉ tương tự diện tích dành cho Thủ Đức hiện nay. Vậy mà sau hơn hai thập niên, dân số ở đó đã khoảng 5 triệu người (gần bằng Singapore ngày nay). Nhìn rộng ra cả Seoul với 10 triệu người trên diện tích hơn 600 km2, nhưng trong đó chỉ hơn 350 km2 thực sự phát triển, còn lại là đất cây xanh, vành đai. Hồng Kông có diện tích hơn 1.100 km2 nhưng đất phát triển đô thị chỉ trên dưới 200 km2. Hiện tổng diện tích các quận trung tâm như quận 1, 3, 4, 5 và 10 chỉ có diện tích chưa tới 30 km2. Trong khi đó, nằm trong Thành phố Thủ Đức, Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã phát triển gì đâu, Khu Công nghệ cao quận 9 và vùng xung quanh vẫn còn nhiều đất. Nói chung đất đã có sẵn hạ tầng và có thể phát triển ngay ở Thủ Đức đang khá nhiều. Chỉ cần chúng ta phát triển được chừng chục ki-lô-mét vuông bài bản thì mọi chuyện sẽ khác lắm rồi. Vấn đề của Thành phố Thủ Đức không nằm ở đất đai mà là làm sao có được những công trình hay khu phức hợp tạo điểm nhấn cho sự phát triển.
Có sự lo ngại rằng Thành phố Thủ Đức sẽ là động cơ khiến dân số toàn TPHCM gia tăng mạnh, tạo gánh nặng thêm cho sự phát triển, ông nghĩ sao về điều này? Chuyện một thành phố đông người không phải là vấn đề xấu mà ngược lại, là điểm tốt. Giá trị gia tăng một người lao động tạo ra (góp phần tăng trưởng) có thể cao hơn chi phí thành phố phải chịu. Nếu Thành phố Thủ Đức được quy hoạch bài bản thì giá bất động sản sẽ cao. Từ đó cơ chế thị trường sẽ tự nhiên sàng lọc. Muốn xây dựng một đô thị đáng sống thì yếu tố này chắc chắn sẽ xảy ra và mình phải chấp nhận trong một mức độ nào đó. Tôi nghĩ chuyện đó có thể chấp nhận được đối với đề án này. Chúng ta phải hiểu rằng rất khó để có một thứ vừa rẻ vừa bền vừa đẹp. Tất nhiên, chuyện phân khu chức năng, định hướng phát triển phải làm nghiêm thì mới ra một đô thị có sức cạnh tranh cao và môi trường sống tốt; diện tích cây xanh và không gian công cộng phải cân đối với diện tích bất động sản. Việc thành lập thành phố trong thành phố đến nay chưa từng có tiền lệ. Bây giờ thành lập Thành phố Thủ Đức trong TPHCM thì cơ chế quản lý sẽ như thế nào, thưa ông? Nhiều người bàn về cơ chế thành phố trong thành phố, nhưng việc đó không quan trọng bằng vận hành đơn vị hành chính đó như thế nào. Phố Đông được xem như một quận của Thượng Hải nhưng thực chất chính quyền đô thị của nó gần như độc lập. Nó có cơ chế đặc biệt so với phần còn lại của Thượng Hải, cũng như phần còn lại của Trung Quốc. Tương tự, Thành phố Thủ Đức cũng vậy. Nếu nói ở cấp đơn vị hành chính thì nó như một quận của TPHCM, nhưng bản chất, nội hàm, cơ chế của nó phải theo mô hình đặc khu để có thể cạnh tranh quốc tế. Tên gọi nó là thành phố hay là gì không quan trọng bằng việc nội hàm của nó như thế nào. TPHCM mất gần 10 năm ấp ủ cho đề án Thành phố phía Đông và Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông. Theo ông, Thành phố Thủ Đức phải mất bao lâu nữa mới có hình hài cụ thể? Một điều hơi đáng buồn ở Việt Nam là thường làm không đến nơi đến chốn, có mục tiêu lớn nhưng thực tiễn thực hiện thì dễ xảy ra “đầu voi đuôi chuột”. Ví dụ, khu Nam TPHCM được quy hoạch trên diện tích 30 km2 nhưng về cơ bản bị “băm nát” hết; chỉ có khu Phú Mỹ Hưng rộng chừng 4 km2 là phát triển. Hay Khu Công nghệ cao Hòa Lạc ở Hà Nội, đã gần 30 năm rồi mà nhiều nơi vẫn chưa có nước máy… Vấn đề ở đâu? Vấn đề nằm ở sự thiếu hụt quyết tâm làm cho bằng được. Chúng ta vẽ dự án ra hoành tráng nhưng đầu mối thực thi không có, như gió vào nhà trống. Bệnh ở Việt Nam giống bệnh ở nhiều nước Đông Nam Á, cũng có kế hoạch hoành tráng nhưng người thực thi là một hệ thống chẳng có quyết tâm chẳng có khát vọng gì cả. Kết quả thực hiện vì thế rất hạn chế. Khu Gangnam hay Incheon của Hàn Quốc hay Phố Đông của Thượng Hải chỉ hơn 10 năm đã hình thành cơ bản rồi. Nhưng nếu không có quyết tâm thì đến năm 2045, thời điểm 100 năm Việt Nam độc lập thì thành phố Thủ Đức có khi cũng chẳng đi đến đâu. Xin cảm ơn ông!
|
||||||
Nguồn SaigonTimes: https://diaoc.thesaigontimes.vn/307472/dung-de-thanh-pho-thu-duc-lap-lai-vet-xe-do-thu-thiem.html |