Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG) vừa bị Công ty cổ phần Lilama 45.3 gửi đơn lên tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tòa đã thụ lý đơn.
Giải trình vấn đề này với Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), Đức Long Gia Lai cho biết có nợ Lilama 45.3 nhưng là khoản “rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản công ty”.
Tổng tài sản của công ty gần 6.000 tỷ đồng, như vậy khoản nợ với Lilama 45.3 khoảng 18 tỷ đồng. Đức Long Gia Lai khẳng định khoản nợ trong khả năng thanh toán và công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản.
“Đại gia phố núi” Đức Long Gia Lai cũng thừa nhận công ty hiện gặp khó khăn tài chínhtạm thời do ảnh hưởng từ dịch bệnh và các vấn đề toàn cầu khác. Trong nước, việc tiếp cận vốn khó khăn, công ty không ngoại lệ.
Đức Long Gia Lai là một trong những tập đoàn kinh tế lớn của tỉnh Gia Lai, bên cạnh một số cái tên nổi đình đám khác như Hoàng Anh Gia Lai (gắn liền bầu Đức) hay Quốc Cường Gia Lai (gắn liền đại gia Nguyễn Thị Như Loan).
Công ty này hoạt động đa ngành ở nhiều lĩnh vực như gỗ, bất động sản, phân bón, năng lượng tái tạo, linh kiện điện tử, thu phí BOT… Trong đó, doanh thu từ linh kiện điện tử và thu phí BOT chiếm phần lớn ở một vài năm gần đây.
Trong 5 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của Đức Long Gia Lai có sự trồi sụt. Lợi nhuận các năm 2019-2020 và 2022 đều âm, thậm chí năm 2022 lỗ sâu 1.197 tỷ đồng. Chi phí quản lý và chi phí lãi vay “bào mòn” lợi nhuận doanh nghiệp.
Lợi nhuận không khởi sắc khiến công ty lỗ lũy kế hơn 2.042 tỷ đồng tại ngày 30/6/2023, vượt vốn chủ sở hữu.
Cổ phiếu DLG cũng bị giữ nguyên diện cảnh báo theo quyết định mới nhất của HoSE vào đầu tháng 9 này. Lý do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6 âm hơn 2.042 tỷ đồng và kiểm toán có kết luận ngoại trừ đối với báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023. Chốt phiên giao dịch ngày 14/9, cổ phiếu DLG có giá 2.600 đồng/cổ phiếu.
Tổng Hợp
(Dân Trí)