Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang dựa vào ngân hàng để che mắt nhà đầu tư. Phần lớn số trái phiếu chỉ được bảo lãnh phát hành. Nghĩa là, nếu phát hành không hết, ngân hàng sẽ cam kết mua toàn bộ số trái phiếu còn lại. Đồng nghĩa rủi ro với nhà đầu tư rất lớn nếu doanh nghiệp phát hành vỡ nợ.
Cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hiện có rất nhiều vấn đề. Tỷ trọng “gom” trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng giảm từ 35% năm 2018 xuống 17,4% năm 2019 và lên 25% trong nửa đầu năm 2021 (không có số liệu năm 2020). Trong khi đó, tỷ trọng mua của các công ty chứng khoán luôn duy trì ở mức cao 39,4% năm 2018, 44,1% năm 2019 và 44,4% nửa đầu năm 2021.
Thị trường trái phiếu, theo thông lệ quốc tế, thanh khoản không thể lớn như thị trường chứng khoán được. Một bộ phận nhà đầu tư cần về thanh khoản, cần tài chính có thể bán ngay, lợi tức có thể thay đổi.
Mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi bằng VND ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,85-4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng; 3-4%/năm với kỳ hạn 3 tháng; 4-6,25% với tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng; 4-6,4% đối với tiền gửi có kỳ hạn 9 tháng; 4,7-6,8% với tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng; 5-7% đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 13-36 tháng. Nhìn chung, lãi suất huy động đã giảm 1,5-2,5 điểm phần trăm trong hơn 1 năm qua, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, lãi suất phát hành bình quân của trái phiếu doanh nghiệp (trừ trái phiếu ngân hàng) trong quý 2/2021 là 9,95%/năm, giảm 0,33 điểm phần trăm so với quý đầu năm. Có thể thấy, dù lãi suất phát hành trái phiếu có giảm nhưng mức giảm rất nhỏ so với đà giảm sâu của lãi suất huy động.
Số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, 7 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu đạt 235.094 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng và bất động sản phát hành thành công tới 170.800 tỷ đồng, chiếm 72,7% tổng giá trị phát hành. Theo VBMA, trong 7 tháng đầu năm 2021 có tổng cộng 376 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 235.094 tỷ đồng. Trong đó, có 363 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 225.509 tỷ đồng; 13 đợt phát hành ra công chúng giá trị 9.584 tỷ đồng và 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1 tỷ USD.
Nhóm các ngân hàng thương mại dẫn đầu thị trường với tổng giá trị phát hành đạt 95.000 tỷ đồng. Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ hai, với tổng khối lượng phát hành 75.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong tổng số trái phiếu bất động sản phát hành này, có khoảng 15% trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.
Lượng trái phiếu đang lưu thông trên thị trường chủ yếu không có tài sản bảo đảm hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu. Trong khi, cổ phiếu thì biến động theo thị trường. Trường hợp là tài sản bảo đảm khác thì nhà đầu tư cũng không có quyền lực để thu giữ tài sản bảo đảm như ngân hàng. Đặc biệt, trường hợp xấu nhất là khi doanh nghiệp bị vỡ nợ, tài sản bảo đảm cũng sẽ phải trả theo thứ tự ưu tiên: Trả thuế cho Chính phủ; trả lương cho người lao động; trả nợ ngân hàng… và cuối cùng mới đến người mua trái phiếu.
Tĩnh Kiên