Xuất hiện với mật độ khá dày trên các trang tin mua bán bất động sản Đà Nẵng thời gian gần đây là hạng mục rao bán nhà nghỉ, khách sạn, từ những khách sạn mini có giá 15 – 20 tỷ đồng cho đến các khách sạn lớn có giá trị từ 200 – 300 tỷ đồng.
Tin rao bán khách sạn ngày càng nhiều từ giữa đợt Covid-19 thứ hai. Ban đầu chỉ xuất hiện tại một số tuyến đường thuộc lõi trung tâm Sài Gòn hay phố cổ Hà Nội nhưng nay các thủ phủ du lịch và thành phố biển như Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn cũng đua nhau rao bán.
Điểm qua các thông tin cho thấy, đa phần khách sạn rao bán đều tập trung tại đường ven biển Võ Nguyên Giáp – khu vực từng sốt nóng với giá đất chỉ trong mấy năm tăng từ 50 triệu đồng lên đến hơn 300 triệu đồng/m2.
Ông Lê Ngọc Đoàn, Giám đốc R&B cho biết, “nguyên nhân phần lớn là do kinh doanh không được, trong khi áp lực lãi suất ngân hàng lớn vượt quá khả năng cầm cự”.
Nhìn nhận bức tranh toàn thị trường, theo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Thống kê sơ bộ cho thấy, khoảng 250 – 260 khách sạn, căn hộ, biệt thự rao bán, trong đó chủ yếu là khách sạn từ 1 – 3 sao.
“Các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ phải sang nhượng và đây là tác động khách quan không thể làm gì khác”, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong tháng 8, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 16,3 nghìn lượt người, tăng 16,9% so với tháng 7. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm nay, khách quốc tế đến chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6% so với cùng kì năm trước.
Trong khi đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm nay ước đạt 322.500 tỉ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kì năm trước.
Trong đó, nhiều trung tâm du lịch cũng ghi nhận số doanh thu giảm mạnh như Khánh Hòa giảm 59%; Quảng Nam giảm 53%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 42%; TP HCM giảm gần 42%; Đà Nẵng giảm gần 32%; Hà Nội giảm gần 18%;…
Bên cạnh đó, doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng cũng giảm mạnh hơn 54% so với cùng kì năm. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng giảm mạnh so với cùng kì năm trước như Khánh Hòa giảm 76%; TP HCM giảm 72%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 67%; Quảng Nam giảm 66%; Kiên Giang giảm gần 65%; Đà Nẵng giảm gần 64%; Hà Nội giảm 42%;…
Khảo sát trên trang Agoda, loạt khách sạn 3- 5 sao tại vị trí trung tâm Hà Nội và TP HCM đang báo giá phòng giảm mạnh 60 – 80%. Đơn cử, giá cho 1 phòng 2 người tại khách sạn 4 sao Silk Path (Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang được giảm giá tới 83% còn khoảng 1,3 triệu đồng/đêm, trong khi bình thường có giá gần 8 triệu đồng/đêm. Hay như giá cho 1 phòng 2 người tại khách sạn 5 sao Hanoi Daewoo Hotel (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) cũng chỉ còn 1,3 triệu đồng/đêm, giảm 83% so với mức giá bình thường (gần 8 triệu đồng/đêm).
Gõ từ khóa “bán khách sạn TP HCM”, Google trả về 51 triệu kết quả tìm kiếm. Hầu hết thông tin đều thuộc nhóm khách sạn 1-3 sao, khách sạn 5 sao cũng có nhưng không nhiều.
Còn với từ khóa “bán khách sạn Hà Nội”, Google trả về hơn 55 triệu kết quả tìm kiếm. Riêng với từ khóa “bán khách sạn tại phố cổ Hà Nội”, Google trả về hơn 23 triệu kết quả tìm kiếm.
Sự hồi phục hoàn toàn của ngành dịch vụ lưu trú sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến động khó lường và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch của thế giới. Trong khi đó, du khách nội địa được kì vọng sẽ dẫn dắt sự phục hồi của thị trường và bù đắp phần nào sự sụt giảm lượng khách quốc tế trong năm 2020.
Đa số các chủ tài sản kiên quyết giữ giá nhưng cũng có vài trường hợp xác nhận giảm giá 5% hay để ngỏ lời mời sẵn sàng thương lượng “sâu” để thúc đẩy giao dịch nhanh hơn. Theo các môi giới lâu năm trên thị trường mua bán tài sản, làn sóng rao bán khách sạn hiện nay được cho là mạnh nhất một thập niên trở lại đây.
Khu vực lõi trung tâm quận 1, TP.HCM, ngoại trừ những trục đường V.I.P gồm Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng do tập trung các khách sạn 5 sao nên thị trường mua bán khách sạn khá yên ắng. Còn ở các tuyến phố nhỏ hơn có bán kính cách chợ Bến Thành trên dưới một ki-lô-mét – thủ phủ của thị trường khách sạn 2 – 3 sao, đang nhộn nhịp tin rao bán tài sản. Đây thực chất là nhà phố mặt tiền chuyển đổi công năng, thậm chí có những khách sạn mini được môi giới địa phương cho biết chủ tài sản đã khai thác ổn định trong 10 năm chưa từng sang tay lần nào.
Kể từ đợt Covid-19 thứ hai ập đến, trung bình mỗi ngày có không dưới chục tòa khách sạn được rao bán từ môi giới hoặc đăng tin bán trên các sàn online. Trên trục đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Bùi Thị Xuân, Ngã sáu Phù Đổng… nơi chỉ cách chợ Bến Thành vài bước chân, xuất hiện nhiều khách sạn quy mô từ đôi ba chục đến 100 phòng với giá chào bán từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ thậm chí cả nghìn tỷ đồng.
Không chỉ có quận 1, thủ phủ của thị trường du lịch TP.HCM mới xuất hiện tình trạng rao bán khách sạn, ngay cả quận 3, 6, 7, Bình Thạnh, các chủ tài sản cũng bắt đầu xả hàng, hứa hẹn giảm giá nhẹ. Một khách sạn quy mô 85 phòng tọa lạc trên đường Võ Văn Tần, quận 3 được rao bán với giá 380 tỷ đồng. Theo môi giới trên địa bàn này, đây là mức giá đã được chủ tài sản giảm 5% so với thời điểm trước khi xuất hiện Covid-19.
Khảo sát tại phố Hàn Quốc thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng xuất hiện không ít khách sạn mini và căn hộ dịch vụ đóng cửa im lìm, mặt tiền chi chít biển in số điện thoại liên hệ cho thuê hoặc bán.
Tuy nhiên, đối với một số chủ sở hữu kinh doanh khách sạn quy mô nhỏ không phải là ngành nghề chính hoặc là tài sản đi thuê lại, đây là thời điểm phải xem xét chặt chẽ hơn các mô hình hoạt động và tài chính trước khi quyết định tiếp tục chiến lược lâu dài hơn.
Nhật Hạ
( Tổng Hợp)
Theo Phụ Nữ Mới